Khai thác tiền sử bệnh nhân cho biết, vào khoảng nửa tháng trước, ông S bắt đầu cảm thấy đau bụng bên phải, có lúc âm ỉ, lúc lại trội từng cơn. 3 ngày trước khi nhập viện, thấy cơn đau ngày càng dữ dội, chướng bụng, ông S mới đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang khám.
Tại Khoa Ngoại tiêu hoá, người bệnh được thăm khám và làm các cận lâm sàng. Các bác sĩ chẩn đoán ông S bị viêm phúc mạc và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu bằng phương pháp nội soi.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện trong ổ bụng người bệnh có nhiều dịch mủ; tại vị trí đại tràng góc gan phát hiện có dị vật. Dị vật được nghi là que tăm tre có kích thước khoảng 5cm.
Các bác sĩ đã xử trí lấy dị vật ra và khâu lổ thủng qua nội soi. Hiện tại, sau 8 ngày phẫu thuật, người bệnh đã khoẻ mạnh, ăn uống tốt và được xuất viện.
Ông H.V.S cho biết, trước đó ông không hề biết đã nuốt tăm tre vào bụng lúc nào, lúc được bác sĩ thông báo lấy ra cây tăm trong bụng mới “hết hồn”, có thể lúc ngậm tăm để xỉa răng rồi vô tình nuốt lúc nào không hay.
Theo Ths Lê Minh Hải, Phó Trưởng khoa Ngoại tiêu hoá chia sẻ: Dị vật đường tiêu hóa rất thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ.
Đặc biệt, những dị vật sắc nhọn như tăm tre khi đi dọc theo đường tiêu hóa từ thực quản, dạ dày, tá tràng, ruột non, ruột già.. tùy theo vị trí đâm thủng có tổn thương khác nhau, có thể bị áp xe, viêm phúc mạc, rò tiêu hóa, nhiễm trùng,... thậm chí có thể đe doạ đến tính mạng.
Qua đây, bác sĩ cũng đưa ra khuyến cáo, nên vứt tăm đi ngay sau khi sử dụng, không ngậm trong miệng, dễ vô tình nuốt phải. Bên cạnh đó, nên thay đổi thói quen xỉa răng bằng tăm tre mà dùng chỉ nha khoa.
Đồng thời, khi nuốt phải tăm hay bất cứ các dị vật nào khác, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.