Bài 1: Tìm mái ấm cho trẻ mồ côi
Trong 10 năm đưa Luật Nuôi con nuôi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng đã giải quyết được 30.519 trẻ em làm con nuôi trong nước và nước ngoài. Trong đó, có nhiều trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác đã tìm được gia đình thay thế.
30.519 trẻ em được nhận nuôi
Kể từ khi thực hiện Luật Nuôi con nuôi trong giai đoạn 2011-2020, cả nước đã có 30.519 trẻ em được giải quyết làm con nuôi trong nước và nước ngoài. Trong đó, 26.623 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt làm con nuôi trong nước (chiếm hơn 87,2%). Số liệu này cho thấy, số lượng trẻ em được cho làm con nuôi trong nước cao gấp gần 7 lần so với số lượng trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài.

Trong số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được giải quyết cho làm con nuôi trong nước, có 3,7% trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng (1.005 trường hợp/10 năm), 17,4% trẻ em ở nơi khác (4.613 trường hợp) và 78,9% trẻ em sống ở gia đình gốc (21.005 trường hợp). Nhìn chung, công tác giải quyết nuôi con nuôi trong nước đã đi vào nền nếp, tuân thủ đúng quy định pháp luật. Cho đến nay, không có trường hợp khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến việc giải quyết nuôi con nuôi trong nước. Việc giải quyết nuôi con nuôi đã tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, tuân thủ ý kiến đồng ý của cha, mẹ đẻ, người giám hộ trẻ em và trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên.
Phó Cục trưởng Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp Phạm Thị Kim Anh nhận định, qua thời gian hơn 10 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi, công tác nuôi con nuôi trong nước đã đạt được những kết quả tích cực. Có thể nói, trình tự thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi đã thay đổi đáng kể, theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của trẻ em được nhận làm con nuôi.
Đại diện Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh – địa phương có số lượng nuôi con nuôi nhiều trên toàn quốc – cũng cho hay, thành phố đã giải quyết 2.554 trường hợp đăng ký nuôi con nuôi trong nước. Trong đó 2.058 trường hợp (80,6%) nhận con nuôi từ gia đình, 87 trường hợp (3,4%) nhận trẻ sống trong cơ sở nuôi dưỡng, 409 trường hợp (16 %) nhận trẻ bị bỏ rơi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Đa số là trẻ có sức khỏe bình thường (93%).
Nhiều trường hợp tự thoả thuận nhận con nuôi

Có thể thấy, việc nuôi con nuôi thể hiện tính nhân đạo sâu sắc, tình yêu thương, tinh thần, trách nhiệm và mối quan hệ tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau giữa con người với con người. Đây cũng là biện pháp tích cực giúp đỡ trẻ em không nơi nương tựa có mái ấm gia đình, được chăm sóc và phát triển trong điều kiện tốt nhất, giảm được gánh nặng về tài chính, kinh tế cho Nhà nước trong việc chăm sóc trẻ em.
Tuy nhiên, thực tiễn 10 năm Luật Nuôi con nuôi đi vào cuộc sống đã cho thấy, không ít vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai cũng như từ những quy định của pháp luật. Trong đó, điển hình là số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở cơ sở nuôi dưỡng được giải quyết cho làm con nuôi trong nước còn rất hạn chế. Trong cả giai đoạn 2011-2020, trong tổng số 26.623 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi trong nước chỉ có khoảng 3,7% trẻ em sống ở cơ sở nuôi dưỡng. Như vậy, trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 0,37% trẻ em được giải quyết nuôi con nuôi trong nước thuộc diện sống ở cơ sở nuôi dưỡng (khoảng 100 trẻ em/năm).
Trong khi đó, theo báo cáo rà soát của các Sở Tư pháp, hiện nay trên toàn quốc có khoảng 4.411 trẻ em cần tìm gia đình thay thế đang sống tại 97 cơ sở nuôi dưỡng công lập và 216 cơ sở nuôi dưỡng ngoài công lập. Mặc dù còn một số lượng lớn trẻ em sống ở cơ sở nuôi dưỡng ngoài công lập, đặc biệt là cơ sở tôn giáo nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để tìm gia đình thay thế cho nhóm trẻ em này. Nhiều địa phương phản ánh không có hoặc không có nhiều trường hợp đăng ký nhu cầu nhận trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng làm con nuôi .
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng thỏa thuận cho nhận con nuôi, chỉ có giấy tờ viết tay hoặc tự ý đem trẻ em bị bỏ rơi về chăm sóc nuôi dưỡng, hoặc cho nhận con nuôi trao tay (mẹ đẻ sinh con tại cơ sở y tế và đem con cho người khác); hoặc lợi dụng việc cấp giấy chứng sinh để hợp thức “cha mẹ nuôi” thành cha mẹ đẻ mà không thông qua thủ tục đăng ký nuôi con nuôi diễn ra ở địa phương. Do không tiến hành thủ tục đăng ký nuôi con nuôi cho nên mối quan hệ pháp lý giữa trẻ em và người nuôi dưỡng không được xác lập.
Điều này ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của trẻ em. Sau một thời gian dài nuôi dưỡng, người nhận con nuôi mới yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi để đảm bảo trẻ em có giấy tờ hộ tịch, đặc biệt là giấy khai sinh có tên cha mẹ nuôi. Phó Cục trưởng Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp Phạm Thị Kim Anh cho rằng, đây là thực trạng nuôi dưỡng chăm sóc trái pháp luật, không có sự tham gia của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở khâu giao nhận trẻ em nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Do công chức tư pháp - hộ tịch chỉ có trình độ pháp lý nên Ủy ban nhân dân cấp xã không thể thực hiện một cách chuyên nghiệp và hiệu quả những hoạt động hỗ trợ trong lĩnh vực công tác xã hội và tâm lý. Điều này, dẫn đến việc thiếu sự kết nối giữa trẻ em có nhu cầu tìm gia đình thay thế với nguyện vọng của những người có nhu cầu nhận con nuôi, sự thiếu chuyên nghiệp trong giải quyết việc nuôi con nuôi.