Nhiều vụ sai phạm ở trường học gây bức xúc xã hội: Hà Nội quán triệt chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc

Ngày 5.10, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm học 2023-2024, nội dung trọng tâm là quán triệt các nhiệm vụ năm học, chấn chỉnh các hiện tượng sai phạm vừa qua tại một số trường học.

Hội nghị tập trung quán triệt các nhiệm vụ năm học, chấn chỉnh các hiện tượng sai phạm vừa qua liên quan đến vấn đề thu chi, dạy liên kết, văn hóa ứng xử; xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn tiêu cực, đặt quyền lợi của học sinh lên cao nhất, đồng thời xây dựng, giữ gìn môi trường học tập an toàn, thân thiện và quyết tâm của toàn ngành giáo dục

Trong mọi trường hợp, học sinh luôn được bảo đảm quyền lợi

Năm học 2023-2024, quy mô giáo dục thành phố Hà Nội có hơn 2.800 trường học với hơn 2,2 triệu học sinh, hơn 124.000 giáo viên. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhận định, từ đầu năm học tới nay, bên cạnh những việc đã làm được, tại một số trường còn xảy ra vi phạm trong quản lý, tổ chức dạy học gây bức xúc trong dư luận.

Đơn cử như việc giáo viên có lời nói, hành vi thiếu chuẩn mực tại Trường THPTĐa Phúc (huyện Sóc Sơn) và tại Trường THPT Phan Huy Chú - Thạch Thất (huyện Thạch Thất); việc cô giáo bạo hành trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non tại huyện Gia Lâm…

Các sự việc đều đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ. Hội nghị nhằm chỉ đạo, quán triệt một lần nữa những quy định liên quan để chấn chỉnh, ngăn chặn các sai phạm có thể xảy ra.

hnm.1cdn.vn-2023-10-05-_a4-1-.jpg?w=1130
Toàn cảnh Hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm học 2023-2024 (Ảnh: Sở GD-ĐT Hà Nội)

Giải tỏa những bức xúc từ gia đình và dư luận về việc Trường THPT Lạc Long Quân (huyện Sóc Sơn) từ chối giáo dục học sinh trong vài ngày qua, ngay tại hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thế Cương yêu cầu nhà trường phải bảo đảm quyền lợi học sinh được đến trường, đến lớp học, không vì bất cứ lý do nào mà từ chối giáo dục học sinh.

Sở giao Phòng Giáo dục trung học và Phòng Thanh tra xem xét xử lý sự việc, bảo đảm các điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh.

Qua tìm hiểu, sự việc nhà trường từ chối giáo dục học sinh bắt nguồn từ các khoản thu đầu năm. Theo thông báo của nhà trường, ngày 26.8, một phụ huynh lớp 12A3 đã có tin nhắn trên nhóm lớp với nội dung làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường. Nhà trường đã 2 lần mời phụ huynh làm việc, cử giáo viên chủ nhiệm tới nhà đưa giấy mời, nhưng phụ huynh không hợp tác.

Thông tin về việc xử lý cơ sở bạo hành trẻ 15 tháng tuổi ở huyện Gia Lâm, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện khẳng định, nhóm trẻ đã bị đình chỉ theo đúng quy định. Ngày 5.10, lực lượng chức năng đang giám sát việc tháo dỡ biển cũng như việc đóng cửa của cơ sở. Toàn bộ trẻ đang theo học tại đây được chuyển sang trường mầm non công lập trên địa bàn.

Để ngăn chặn việc các cơ sở mầm non hoạt động “chui”, Trưởng phòng Giáo dục mầm non - Sở GD-ĐT Hà Nội Hoàng Thanh Hương đề nghị các Phòng GD-ĐT tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Khi phát hiện cơ sở có sai phạm, hoạt động không có giấy phép, phải kiên quyết xử lý và quan tâm hậu kiểm, tránh trường hợp ra văn bản thông báo đình chỉ rồi nhưng không kiểm tra, để cơ sở vẫn mở cửa đón trẻ.

Khi dừng hoạt động, các đơn vị phải quan tâm đến quyền lợi của trẻ em và người lao động. Sở cũng yêu cầu các đơn vị gắn trách nhiệm hiệu trưởng, chủ nhóm lớp trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ và nâng cao tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình khi có các sự việc xảy ra.

Thành lập đoàn kiểm tra thu chi và dạy thêm

Để kịp thời chấn chỉnh các sai phạm liên quan đến công tác thu chi, Sở GD-ĐT đã thành lập các đoàn kiểm tra tình hình tổ chức các khoản thu tại các trường trực thuộc.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thế Cương một lần nữa quán triệt các quy định liên quan đến công tác thu chi, dạy thêm học thêm, dạy bổ trợ… và cho biết sẽ thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc thực hiện nhiệm vụ năm học, nhất là với các nội dung được dư luận quan tâm, phản ánh.

Để ngăn hiện tượng ép học sinh học thêm, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường lưu ý thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 17 ban hành quy định về dạy thêm, học thêm, trong đó lưu ý không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).

Các nhà trường cũng cần quán triệt giáo viên tuân thủ quy định không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Chia sẻ về quan điểm, giải pháp trong việc ngăn ngừa các hành vi sai phạm của nhà giáo thời gian qua, theo Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thế Cương: 

“Tôi không cổ súy việc học sinh mang điện thoại vào lớp quay clip, nhưng thông qua nội dung ấy chúng ta mới có căn cứ xử lý các hành vi sai phạm”.

Vì vậy, các nhà trường phải tăng cường duy trì đường dây nóng, hòm thư góp ý để kịp thời tiếp nhận, xử lý những sự việc có thể gây bức xúc, đồng thời cũng cần đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm an toàn, xây dựng văn hóa trường học, tránh chỉ tập trung, quan tâm quá mức vào những thông tin phản cảm…

Yêu cầu các trường không chèn giờ dạy liên kết vào chính khóa

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hiện nay, chương trình chính khóa với lớp 1, lớp 2 là 25 tiết/tuần; lớp 3 là 28 tiết/tuần; lớp 4, lớp 5 là 30 tiết/tuần. Định mức giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần. Mỗi tiết học của học sinh tiểu học không quá 35 phút.

Các tiết học chính khóa bắt buộc nhà trường phải thực hiện, không được cắt xén, giảm bớt. Nhà trường phải phân công giáo viên thực hiện đủ định mức tiết dạy. Khi đã thực hiện đầy đủ theo chương trình, đủ định mức của giáo viên, còn thời gian trống mới tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Các trường có thể đưa ra nhiều nội dung, nhiều chương trình nhưng không để học sinh chọn tất cả nội dung đó. Nhà trường nên khuyến cáo để học sinh chọn từ 1-2 nội dung để bảo đảm vừa sức, không gây áp lực cho học sinh và gây khó khăn cho phụ huynh học sinh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, thành phố Hà Nội có số lượng trường học, số học sinh rất lớn, vì vậy có nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, vận hành, ở một số nơi có những tình huống bất thình lình xảy ra. Tuy nhiên, đó chỉ là những sự việc hi hữu, cá biệt.

Qua hội nghị, toàn ngành thống nhất chủ trương phải tạo môi trường tốt nhất để học sinh được học tập, rèn luyện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm về thu chi, về đạo đức nhà giáo… Thời gian qua, các nhà trường đã có nhiều cách làm sáng tạo để nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục học sinh.

Theo ông Cương, toàn ngành giáo dục  đang tích cực hưởng ứng phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” bằng những nội dung cụ thể, thiết thực nhằm quan tâm nhiều hơn đến học sinh khó khăn, hỗ trợ nhiều hơn cho các trường học vùng khó… Đây là cơ sở để toàn ngành tự tin, quyết tâm khắc phục những vướng mắc, tồn tại để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Giáo dục

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội
Giáo dục

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội

Các “chàng trai Vàng” Olympic Sinh học quốc tế (IBO) năm 2024 gồm: Nguyễn Tiến Lộc, Nguyễn Sĩ Hiếu, Đặng Tuấn Anh; cùng Nguyễn Hữu Tiến Hưng - Huy chương Vàng, thí sinh có điểm cao nhất đoàn Việt Nam tại Olympic Hóa học Quốc tế (IChO) 2024 cùng chọn theo học ngành Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội.

Thầy và trò Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn chung tay quyên góp, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão số 3
Giáo dục

Thầy và trò Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn chung tay quyên góp, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão số 3

Ngày 16.9, Chi bộ, Ban Giám hiệu, Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố phía Bắc khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. 

Cô giáo tâm huyết với nghề
Giáo dục

Cô giáo tâm huyết với nghề

Tâm huyết với nghề, giàu kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi, cô giáo Vũ Thị Vân (SN 1976), Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phương Sơn (Lục Nam) luôn được đồng nghiệp, học sinh tin yêu.

Hai anh em tiểu học “đập lợn” ủng hộ 15 triệu đồng cho bạn mồ côi cha mẹ vì sạt lở đất
Giáo dục

Hai anh em tiểu học “đập lợn” ủng hộ 15 triệu đồng cho bạn mồ côi cha mẹ vì sạt lở đất

Thương cảm với hoàn cảnh em nhỏ trong vụ sạt lở đất ở Cuối Hạ - Kim Bôi (Hoà Bình) khi mất cả cha lẫn mẹ, hai anh em ruột Nguyễn Gia An - lớp 4A2 và Nguyễn Minh Tuấn - lớp 1A1, Trường Tiểu Học Trần Hưng Đạo, TP. Hoà Bình đã đập lợn tiết kiệm để góp tiền ủng hộ 15 triệu đồng.

Cao Bằng: 9 giáo viên, học sinh thiệt mạng do mưa lũ
Giáo dục

Cao Bằng: 9 giáo viên, học sinh thiệt mạng do mưa lũ

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng Nguyễn Ngọc Thư cho biết, sau đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn tỉnh có 2 giáo viên và 7 học sinh thiệt mạng, 1 học sinh bị thương. Bên cạnh đó, 40 cơ sở giáo dục bị hư hỏng, ảnh hưởng do ngập nước, sạt lở.