Chia sẻ khó khăn cùng người học và gia đình tại các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã và đang triển khai chương trình Học bổng hỗ trợ và giãn thời gian đóng học phí.
Theo đó, nhà trường dành 100 suất học bổng, mỗi suất trị giá 10 triệu đồng, để trao cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc các khóa 47, 48, 49, 50 có hộ khẩu thường trú tại 26 địa phương miền Bắc bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 3.
Ngoài ra, để hỗ trợ tất cả sinh viên và gia đình thuộc 26 tỉnh, thành phố trên giảm áp lực tài chính trong thời điểm khó khăn hiện tại, trường cho giãn thời gian đóng học phí học kỳ đầu năm học 2025 đến ngày 15.1.2025.
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng tiến hành thông báo, khảo sát, thống kê số lượng sinh viên các tỉnh, thành phố phía Bắc bị ảnh hưởng bởi thiên tai để có các chính sách hỗ trợ kịp thời như trao học bổng, miễn, giảm học phí. Ngoài những chính sách chung nói trên, các trường thành viên cũng chủ động đưa ra các chính sách riêng để kịp thời hỗ trợ cho sinh viên.
Nhiều trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh cũng dự kiến dành hàng tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên các tỉnh, thành phố phía Bắc bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. Các chính sách hỗ trợ được triển khai bằng nhiều hình thức, như trao học bổng toàn phần, miễn, giảm từ 30-50% học phí, giãn thời gian đóng học phí sang đầu năm 2025...
Ngoài ra, trong năm học 2024-2025, nhiều trường đại học công lập và công lập tự chủ tăng học phí theo lộ trình. Để giảm gánh nặng học phí cho sinh viên, nhiều trường đã tăng các chính sách học bổng; đặc biệt, sinh viên các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại do bão, lũ cũng được các trường dành nhiều chính sách hỗ trợ để an tâm học tập.
Đơn cử, theo Trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, cùng với việc tăng học phí theo lộ trình tự chủ, nhà trường cũng xây dựng kế hoạch chăm lo, hỗ trợ người học. Cụ thể, năm 2024, nhà trường trích nguồn thu học phí để lập các quỹ học bổng, quỹ hỗ trợ sinh viên theo quy định lên tới gần 28 tỷ đồng; tăng quỹ phát triển hoạt động khoa học - công nghệ của giảng viên và sinh viên lên mức 20 tỷ đồng.
Trong khi đó, Trường đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh áp dụng chính sách giảm 50% học phí học kỳ 1 đối với một số ngành kỹ thuật. Bên cạnh đó, nhà trường dành hơn 40 tỷ đồng được trích từ nguồn quỹ học bổng và quỹ hỗ trợ sinh viên để trao học bổng.
Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng tăng mức học bổng dành cho các sinh viên thuộc diện chính sách và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, từ năm 2024 trở đi, nhà trường miễn, giảm học phí cho nữ sinh viên học các khối ngành kỹ thuật, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên có thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi... Việc giảm học phí này được duy trì trong suốt quá trình học tập nếu sinh viên đạt kết quả học tập từ loại khá trở lên.
Tại Trường đại học Văn Hiến, ngoài các chương trình Học bổng tài năng, Học bổng học tập suốt đời, miễn, giảm học phí từ 30-100%/năm, trường cũng có chính sách học bổng tuyển sinh dành cho nhiều đối tượng thí sinh, như: tân sinh viên từ 26-60 tuổi sẽ được nhà trường miễn, giảm từ 35-100% học phí cho toàn khóa học; sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện chính sách sẽ được hỗ trợ 70% học phí toàn khóa; sinh viên mồ côi cha hoặc mẹ được hỗ trợ 50% học phí toàn khóa.