- Nhiều sai phạm về đất đai tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum: Phát sinh khiếu kiện kéo dài, nổi cộm
- Nhiều sai phạm về đất đai tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum: Khắc phục sai phạm có khả thi?
- Nhiều sai phạm về đất đai tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum: Giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền số lượng lớn
Theo hồ sơ được cung cấp sau khi làm việc với các cơ quan huyện Kon Plông và tìm hiểu của phóng viên, tóm tắt như sau: Ngày 12.5.2008, bà Nguyễn Thị Kim Dung, sinh năm 1967, hộ khẩu tại thị trấn Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre; địa chỉ liên hệ Công ty CP Sài Gòn Măng Đen hoạt động trên địa bàn huyện; có Đơn gửi UBND huyện Kon Plông xin thuê đất. Theo đơn, bà Dung trình bày: Diện tích đất xin giao 3ha; thời gian thuê là 50 năm; mục đích xây 2 nhà giữ xe, khu dịch vụ ăn uống, bán quà lưu niệm… Trong đơn chưa thể hiện các thông tin như: Quy mô dự án, bản vẽ thiết kế, vốn đầu tư, thẩm định và phê duyệt dự án… Ngày 3.6.2008, UBND huyện Kon Plông đã ban hành Quyết định số 515/QĐ-UBND về việc cho cá nhân bà Nguyễn Thị Kim Dung thuê 26.700 m2 đất, thời hạn thuê 50 năm, để xây dựng nhà giữ xe, khu dịch vụ ăn uống, bán quà lưu niệm… (nội dung Quyết định không thể hiện thông tin về nguồn gốc đất, đơn giá thuê, hình thức trả tiền thuê đất 1 lần hay hàng năm?).
Dù chưa thực hiện ký hợp đồng thuê đất, nhưng 2 ngày sau khi có quyết định cho thuê đất, ngày 5.6.2008 huyện Kon Plông đã tổ chức bàn giao đất ngoài thực địa. Đến ngày 25.6.2008, bên cho thuê đất là UBND huyện Kon Plông và bà Nguyễn Thị Kim Dung mới ký hợp đồng thuê đất, đơn giá thuê là 375 đồng/m2/năm (26.700m2 x 375 đồng/m2/năm = hơn 10 triệu đồng/năm). Và hơn 1 năm sau, ngày 14.8.2009, UBND huyện Kon Plông mới cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hộ bà Dung tại dự án này.
Sau khi ký hợp đồng thuê đất và tiến hành bàn giao đất năm 2008, đến ngày 26.7.2016, UBND tỉnh Kon Tum mới cấp Giấy phép quy hoạch số 807/GPQH cho chủ đầu tư (có hiệu lực không quá 12 tháng cho đến khi phê duyệt dự án đầu tư). Tiếp đó, ngày 19.1.2017, Sở Xây dựng Kon Tum cấp Giấy phép xây dựng số 07/GPXD cho công trình: Khu dịch vụ liên hợp, trên diện tích đất 26.700 m2 này.
Được giao đất từ năm 2008, nhưng đến nay đã 15 năm trôi qua, bà Dung vẫn chưa hoàn thành thủ tục theo quy định để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực hiện xây dựng dự án, nghĩa là chưa đưa đất vào sử dụng. Luật sư Vi Văn Diện, Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: "Theo Điều 38, Luật Đất đai 2003 về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất như sau: Khoản 3 “Sử dụng đất không đúng mục đích, sử dụng đất không có hiệu quả”; Khoản 6 điểm a, đất chưa sử dụng bị lấn, chiếm; Điểm b, đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm”; Hoặc khoản 9, người sử dụng đất cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước… thì sẽ bị thu hồi đất.
Như vậy, đối với dự án này, nếu theo quy định của pháp luật, sau khi được giao đất mà không đưa đất vào sử dụng, không sử dụng đất đúng mục đích..., thì trách nhiệm của chính quyền địa phương huyện Kon Plông trong giám sát, phát hiện vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời. Tuy nhiên, việc này đã bị "quên" trong thời gian dài, thậm chí người được giao đất còn "cho thuê bằng miệng", khiến khởi nguồn vụ việc xảy ra tranh chấp khiếu kiện kéo dài.
Về nghĩa vụ tài chính, được giao đất từ 2008; ngày 3.6.2008, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Kon Plông đã có Phiếu chuyển thông tin địa chính để xác định nghĩa vụ tài chính số 04/VPĐK cho thửa đất. Nhưng phải đến ngày 27.7.2015, bà Dung mới có đơn xin miễn tiền thuê đất; căn cứ để xin miễn là dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; thời hạn xin miễn theo đơn là 11 năm. Ngày 30.7.2015, Chi cục Thuế huyện Kon Plông đã ban hành Quyết định số 376/QĐ-CCT về việc miễn tiền thuê đất phải nộp trong 10 năm, từ khi giao đất tháng 6.2008 đến tháng 5.2018. Lý do miễn là căn cứ theo điểm c, khoản 4, Điều 14, Nghị định 142/2005 của Chính phủ quy định về miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước với điều kiện: “Kể từ ngày xây dựng hoàn thành đưa dự án vào hoạt động, sẽ được miễn mười một (11) năm đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án thuộc Danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn”.
Tiếp đến, ngày 9.5.2018, Chi cục Thuế huyện Kon Plông tiếp tục có Quyết định số 45/QĐ-CCT về việc miễn tiền thuê đất thời hạn 1 năm, từ tháng 6.2018 đến tháng 5.2019; căn cứ để miễn là theo điểm d, khoản 3, Điều 19, Nghị định 46/2014 của Chính phủ: “Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước sau thời gian được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước của thời gian xây dựng cơ bản theo quy định tại Khoản 2 Điều này”.
Đối chiếu với các quy định của pháp luật như căn cứ để miễn tiền thuê đất ở trên, điều kiện để miễn tiền thuê đất là dự án đã xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động; vậy dự án này đã đủ điều kiện để miễn tiền thuê đất theo quy định không?, việc miễn "ngược thời gian" sau gần chục năm giao đất này có đúng quy định của pháp luật?, có thất thoát ngân sách Nhà nước hay không?..., Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với Chi cục Thuế khu vực số 1 (huyện Kon Plông), nhưng với lý do hồ sơ đã lâu, cán bộ luân chuyển nhiều lần, nên chưa có câu trả lời thỏa đáng!
Theo các Thông báo tiền thuê đất, giấy nộp tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước huyện do Chi cục Thuế khu vực số 1, huyện Kon Plông cung cấp: Từ năm 2019 đến nay, bà Dung mới phải nộp tiền thuê 26.700 m2 đất tại vị trí mặt đường trung tâm huyện lỵ Kon Plông với đơn giá thuê mới nâng lên là 1.613 đồng/m2/năm, với tổng số tiền phải nộp trong gần 4 năm gần đây là hơn trăm triệu đồng. Cụ thể, năm 2019 nộp 25,1 triệu đồng; năm 2020, 2021 và 2022 mỗi năm phải nộp 43 triệu đồng.
Về vấn đề này, Luật sư Vi Văn Diện cho rằng: Căn cứ quy định của pháp luật, dự án được giao đất cho bà Dung từ 2008, nhưng sau đó chủ đầu tư không kinh doanh mà cho bà Lan thuê (thỏa thuận bằng miệng như tòa án đã phán quyết) đã là vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai 2003, Luật Đầu tư 2005, và vi phạm theo cam kết trong đơn xin giao đất…, đáng lẽ phải bị Nhà nước thu hồi từ lâu. Trong trường hợp này, các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn dường như đã thiếu trách nhiệm. Vậy cần phải xem xét trách nhiệm có hay không sự buông lỏng quản lý, là nguyên nhân dẫn tới hệ lụy tranh chấp khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương.
Điểm I, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.