Trường công lập được liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài
Là “trái tim” của cả nước, do vậy việc dành những cơ chế chính sách để phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để thủ đô thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế là rất cần thiết.
Liên kết giáo dục của các cơ sở giáo dục công lập trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết, là nhu cầu chung không chỉ của Hà Nội mà còn đối với các địa phương khác trên cả nước. Quy định này được đưa ra và áp dụng đối với Hà Nội xuất phát từ vị trí, vai trò riêng của thủ đô là điều tất yếu, là nơi tiên phong để làm cơ sở tiền đề cho các địa phương khi có nhu cầu và đáp ứng các điều kiện theo quy định nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các cấp học, bậc học mầm non, phổ thông nói chung của đất nước.
Đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa)
Theo đó, dự thảo Luật lần này quy định: “Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài”. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình với dự thảo Luật, bởi việc liên kết giáo dục, đào tạo là một trong những hình thức hợp tác, đầu tư của nước ngoài về giáo dục tại Việt Nam đã được quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 108 của Luật Giáo dục năm 2019.
Ủng hộ quy định này của dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng, Luật Giáo dục hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc cho phép các trường mầm non, các trường phổ thông công lập được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6.6.2018 của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục của Chính phủ mới chỉ cho phép các trường đại học và các trường tư thục thực hiện các liên kết này mà chưa cho phép các trường mầm non, các trường phổ thông công lập liên kết giáo dục với nước ngoài. Điều này chưa tạo điều kiện thuận lợi để các trường mầm non, các trường phổ thông công lập trên địa bàn thủ đô, nhất là những nơi học sinh, các bậc phụ huynh có nguyện vọng, mong muốn và có điều kiện để đồng hành với các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện liên kết. Việc bổ sung quy định như dự thảo Luật vừa giúp các em học sinh hội nhập ngay tại đất nước mình, vừa giúp các thầy cô giáo có cơ hội tiếp cận với các phương pháp dạy học tiên tiến và các bậc phụ huynh giảm được chi phí thay vì cho con đi du học, đại biểu Vân nhấn mạnh
Khẳng định việc liên kết là cần thiết, song đại biểu Vân cho rằng, để các trường công lập của Hà Nội liên kết được với các cơ sở nước ngoài thì công tác chuẩn bị không chỉ trong một sớm một chiều mà phải cần có thời gian để lựa chọn chương trình giảng dạy, đối tác liên kết, chuẩn bị cơ sở vật chất, thu hút đào tạo nhân lực, xây dựng chương trình quốc tế hóa phù hợp với nhu cầu, khả năng của người Việt, bảo đảm liên kết hiệu quả, chất lượng. Do đó, đại biểu Vân đề nghị Chính phủ sớm quy định chi tiết các điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy các chương trình giáo dục tích hợp như trong dự thảo Luật đã quy định.
Đồng quan điểm này, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho rằng, dự thảo Luật quy định liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài của thành phố Hà Nội được thực hiện đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập là phù hợp và cần thiết.
Lý giải cho nhận định này, đại biểu Cầm Thị Mẫn nhấn mạnh, liên kết giáo dục nhằm hướng đến hai mục tiêu. Một là, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, từ bậc học mầm non, phổ thông đến giáo dục đại học. Hai là, đưa chất lượng giáo dục tiệm cận với nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới.
Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai
Việc xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao là một chủ trương đã được đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW và Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Các trường chất lượng cao có vai trò làm nòng cốt cho toàn hệ thống giáo dục của thành phố nhằm tạo ra sản phẩm giáo dục có khả năng đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế; góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục, tạo tiền đề để các trường từng bước tiến tới tự chủ toàn bộ về tài chính, tạo bước chuyển trong phát triển giáo dục giai đoạn hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này cần quy định việc xây dựng và phát triển các cơ sở giáo dục chất lượng cao trên địa bàn thành phố để tạo cơ sở pháp lý phát triển mạnh mẽ hơn các cơ sở giáo dục này.
Theo đó, dự thảo Luật quy định việc xây dựng và phát triển các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao; bổ sung giải thích thuật ngữ “cơ sở giáo dục chất lượng cao” (Khoản 5 Điều 3); dự thảo Luật quy định, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định công nhận, thu hồi quyết định công nhận cơ sở giáo dục chất lượng cao (Khoản 6 Điều 22); làm rõ hơn nội dung về cơ chế tài chính áp dụng; tiêu chí về cơ sở vật chất, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục của cơ sở giáo dục chất lượng cao; tiêu chuẩn, điều kiện đội ngũ giáo viên, việc thuê giáo viên người nước ngoài…
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, căn cứ vào chủ trương, chính sách tại các văn bản của Trung ương, thành phố sẽ thể hiện cụ thể mục tiêu bảo đảm số lượng, xây dựng và bố trí các cơ sở giáo dục công lập phổ thông phù hợp với quy mô và bán kính phục vụ, đáp ứng nhu cầu học tập cơ bản của công dân trên địa bàn để tránh mất cân đối khi phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục chất lượng cao.
Đồng tình với quy định của dự thảo Luật về xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, việc dự thảo Luật quy định tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao chính là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần hiện thực hóa yêu cầu của Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị. Đây cũng chính là kế thừa quy định của Luật Thủ đô năm 2012 tại Khoản 3 Điều 12. Thực tế cũng cho thấy, việc triển khai quy định về cơ sở giáo dục chất lượng cao thời gian qua ở Hà Nội đã cho kết quả tốt, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đại biểu Nguyễn Anh Trí thông tin thêm.
Cùng chung quan điểm ủng hộ xây dựng các cơ sở giáo dục chất lượng cao, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, việc cho phép thủ đô đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao không đơn thuần là cơ chế đặc thù, vượt trội mà phải coi đây là trách nhiệm của thủ đô phải đảm nhận, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai không chỉ cho thủ đô mà cho cả nước trong bối cảnh cách mạng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ cùng quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.
“Đây không phải là quy định hoàn toàn mới, không riêng thủ đô mà nhiều địa phương khác đã và đang thực hiện mô hình giáo dục có tính chất tương tự, như trường điểm, trường trọng điểm, trường chuyên hay trường chuẩn”, đại biểu Vân nhấn mạnh.
Mục tiêu xây dựng luật nhằm bảo đảm tính khả thi, tạo sự phát triển đột phá, do đó việc cho phép những chính sách đặc thù, vượt trội trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này là rất cần thiết, trong đó có chính sách về phát triển giáo dục và đào tạo. Điều này tạo động lực để thủ đô phát triển xứng tầm trong giai đoạn mới với tinh thần “Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội”.