“Bắt mạch” để hỗ trợ đúng
“Trải qua 4 đợt dịch, Covid-19 đã tàn phá ngành du lịch, và bây giờ chúng ta bước sang trạng thái bình thường mới, bối cảnh mới. Du lịch sẽ trải qua giai đoạn phục hồi và phát triển. Chúng tôi kỳ vọng giai đoạn phục hồi sẽ nhanh hơn, rút ngắn hơn so với 2 năm như dự tính” - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng chia sẻ.
Theo ông Phùng Quang Thắng, doanh nghiệp du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề, hiện nay nhiều doanh nghiệp không hoạt động, có những doanh nghiệp cố gắng thoi thóp. Do đó, để phục hồi du lịch cần có chương trình đánh giá lại năng lực của doanh nghiệp, “bắt mạch” sức khỏe doanh nghiệp du lịch để hỗ trợ đúng lúc, đúng chỗ, chính xác, hiệu quả.
Đồng tình với ý kiến trên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho rằng: “Doanh nghiệp hiện nay quá khó khăn, tài chính kiệt quệ, không còn sức chống chịu. Nếu Ngân hàng Nhà nước không cơ cấu lại thời hạn trả nợ, đến ngày 30.6.2022, khả năng doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt và giao tài sản cho ngân hàng phát mại”.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn mong mỏi Quốc hội ra Nghị quyết chuyên đề cho du lịch để hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành phục hồi. Đối tượng giúp cho du lịch phục hồi là doanh nghiệp, cộng đồng, người dân tham gia hoạt động du lịch. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, nhanh chóng. Chẳng hạn, dùng thuế, tín dụng như đòn bẩy kinh tế, thúc đẩy du lịch phục hồi phát triển. Bên cạnh đó, có các giải pháp hỗ trợ đào tạo lại, đào tạo mới lao động cho ngành du lịch theo xu hướng mới, có chính sách hỗ trợ thu hút lao động chuyên nghiệp...
Còn theo Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, việc đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp đột phá mới về tài chính, thuế, hải quan sẽ có ý nghĩa trọng yếu để góp phần kịp thời tháo gỡ khó khăn cấp bách, phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới. Gần 50 năm trong ngành thuế, bà Nguyễn Thị Cúc kiến nghị cần có chính sách mới về tiền thuê đất; chính sách liên quan đến cơ chế tài chính của phí phục vụ ngành du lịch; chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch quốc tế mua hàng hóa tại Việt Nam, mang về nước khi xuất cảnh... nhằm tạo ra cú hích. “Giảm thuế hôm nay không phải để giảm mãi, mà giảm nhằm tạo điều kiện cho du lịch phục hồi và phát triển” - bà Cúc nhấn mạnh.
An toàn, mở và đồng bộ
Các đề xuất giải pháp hỗ trợ về thuế, phí là rất cần thiết với doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) Võ Anh Tài cho rằng, các hỗ trợ đó mới giống như “đang đưa ra con cá cho doanh nghiệp tồn tại, trong khi quan trọng hơn để phục hồi, phát triển, doanh nghiệp phải có cần câu. Vấn đề mở cửa vẫn là quan trọng, và tập trung vào vấn đề mở thị trường khách quốc tế. Theo đó, đẩy nhanh tiến độ mở, kết nối giao thông quốc tế, không chỉ hàng không mà còn cả đường biển, mở cho khách du lịch vào Việt Nam và khách Việt Nam ra nước ngoài. Việc triển khai phải theo hướng thích ứng, an toàn, không có rào chắn, chốt chặn trong quan điểm nhận thức”.
“An toàn, mở, và đồng bộ” là thông điệp ngắn gọn để du lịch phục hồi do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đưa ra. Ông mong muốn ngành y tế vào cuộc cùng với ngành du lịch, làm sao có điểm đến an toàn, tạo cho du khách niềm tin được an toàn, bảo vệ để có chuyến đi tuyệt vời. Bên cạnh đó, không có gì hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp bằng mở cửa để doanh nghiệp hoạt động, mang thị trường đến với doanh nghiệp, đưa khách tới điểm đến. Muốn mở cửa phải đồng bộ, các ngành y tế, công an, giao thông, các địa phương phải mở, phải “thông”, khách không đến một địa phương, mà đi qua nhiều địa phương. Quy định không thông suốt thì không nối được tour, khách không đến được, mà khách đến cũng không về được. Do vậy phải nhất quán các ngành, địa phương...
“Để khôi phục, chúng ta phải cạnh tranh với các quốc gia, nhưng sản phẩm hiện nay chưa thể cạnh tranh quốc gia, chưa miễn visa cho các nước, chưa trao đổi song phương với các thị trường lớn. Doanh nghiệp sẵn sàng, sản phẩm sẵn sàng, nhưng giờ nguồn lực xúc tiến cũng không còn. Do đó, cần sớm đưa Quỹ xúc tiến du lịch vào hoạt động, có sự hỗ trợ từ trung ương cho các vùng liên kết để xúc tiến...” - ông Cao Trí Dũng góp ý.
Trong khi đó, TS. Bùi Thanh Thủy, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, sức chịu đựng của doanh nghiệp đã vượt ngưỡng, cần chính sách mạnh tay hơn nữa để hỗ trợ du lịch. Trong bối cảnh hiện nay, xu hướng chung là muốn lấy số lượng để phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, du lịch Việt phải hướng tới lấy số lượng nhỏ để làm nên giá trị lớn, phục hồi từng bước, bảo đảm tính bền vững.