Tham dự Hội nghị có Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên Giáo Trung ương Lại Xuân Môn; Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương Vũ Thanh Mai.
Cùng đại diện một số ban, bộ, ngành cơ quan trung ương và các địa phương; đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.
Nghị quyết số 29-NQ/TW - bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển GD-ĐT
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng luôn quan tâm đến giáo dục và đào tạo, xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.
Từ khi Đảng thành lập đến nay, đã có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về giáo dục và đào tạo được ban hành và đi vào cuộc sống, trong đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” có vai trò đặc biệt quan trọng.
Nghị quyết đã đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Nghị quyết thể hiện tầm nhìn, quyết tâm và định hướng chiến lược đổi với giáo dục, cùng như tầm nhìn để phát triển bền vững đất nước cả trước mắt cũng như lâu dài.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, cả hệ thống chính trị, trong đó giữ vai trò nòng cốt là ngành Giáo dục đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 29-NQ/TW, phấn đấu hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra.
Đến nay, sau 10 năm triển khai Nghị quyết, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn phát triển đất nước và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bộ trưởng nhấn mạnh, thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị giao, Bộ GD-ĐT nhận thức rõ việc chủ trì tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW vừa là vinh dự, vừa là thách thức và cũng là nhiệm vụ trọng tâm công tác của Bộ, của toàn ngành.
Đây cũng là cơ hội quý giá giúp ngành Giáo dục nói riêng và toàn xã hội nói chung nhìn lại tổng thể những kết quả đã đạt được trong 10 năm qua. Đồng thời, xác định những nhiệm vụ, giải pháp cần tiếp tục thực hiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, thời gian vừa qua, Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT đã chủ trì phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, đảm bảo đúng quy trình, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, có sự thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Trên cơ sở báo cáo của 63 tỉnh/thành phố và 18 Bộ, ngành, cơ quan trung ương, Bộ GD-ĐT đã xây dựng, hoàn thiện, xin ý kiến các địa phương, các Bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.
“Hôm nay, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW với mong muốn sẽ cùng với các Bộ, ngành, địa phương nhận diện một cách khách quan, đầy đủ, sâu sắc bức tranh giáo dục cả nước trong 10 năm qua, những kết quả đạt được, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Trên cơ sở đó, đề xuất với Bộ Chính trị các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
7 kết quả và 8 tồn tại, hạn chế
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đã đưa ra báo cáo kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Theo đó, có 7 kết quả đạt được, cụ thể: Hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện đã được ban hành tương đối toàn diện, bao quát; thể chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho đổi mới giáo dục và đào tạo; Ban hành và tổ chức triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh; triển khai một chương trình nhiều sách giáo khoa và xã hội hóa trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa bước đầu tạo chuyển biến tích cực, tạo nên sự chủ động, sáng tạo cho giáo viên, học sinh và nhà trường;
Chất lượng giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tốt hơn, công tác đào tạo nghề cho công nhân và lao động nông thôn được quan tâm; Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, giáo dục nghề nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, cơ bản khắc phục tình trạng học lệch, học tủ và giảm áp lực, tốn kém cho xã hội; Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên ngày càng đi vào nề nếp, thực chất và hiệu quả; Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước đảm bảo số lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đã đưa ra 8 tồn tại và hạn chế của giáo dục hiện nay sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, cụ thể:
Thứ nhất, công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao...
Thứ hai, Việc thể chế hóa Nghị quyết 29-NQ/TW còn chậm, thiếu tính đồng bộ và liên thông giữa các chính sách liên quan với các chính sách mới về giáo dục và đào tạo; thiếu các cơ chế, chính sách ưu tiên cho giáo dục và đào tạo, chưa thể hiện được quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.
Thứ ba, Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo còn hạn chế; cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa được tham gia nhiều trong việc thẩm định, phân bổ kinh phí và tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn.
Thứ tư, Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có nơi phân bố chưa hợp lý, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học còn chậm hoàn thiện; việc thực hiện đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học còn hạn chế.
Thứ năm, Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chậm tiến độ 2 năm, chưa hoàn thành được mục tiêu miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi trước năm 2020. Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn; hoàn thành mục tiêu thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.
Thứ sáu, Chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức.
Thứ bảy, Cơ cấu, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn bất cập, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Lương của nhà giáo chưa được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW.
Thứ tám, Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chưa bảo đảm tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục, đào tạo, nhất là trong triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Việc đầu tư cho giáo dục đại học còn thấp, chưa có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả chưa cao. Chưa thu hút được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư cho giáo dục.
Đề nghị đảm bảo ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20%
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, qua tổng kết, đánh giá từ thực tiễn cho thấy, những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW mang tầm chiến lược, cơ bản vẫn còn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra và phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành Kết luật của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện quyết liệt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể:
Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quán triệt đầy đủ, sâu sắc và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng quan điểm coi giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo còn thiếu hoặc chưa đồng bộ, trong đó sớm xây dựng Luật Nhà giáo; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về giáo dục; Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo hướng chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; thực hiện nhất quán một chương trình có nhiều sách giáo khoa và xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm.
Phát triển giáo dục thường xuyên đa dạng về nội dung và hình thức đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Giảm tỷ lệ mù chữ ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục học sinh, sinh viên. Quan tâm giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng cống hiến phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, chú trọng cả số lượng, cơ cấu, chất lượng đào tạo;
Bộ GD-ĐT đề nghị tập trung đầu tư cho giáo dục đại học để tạo đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tăng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học đạt tỷ trọng trên GDP bằng mức trung bình của các nước tiên tiến trong khu vực.
Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển các đại học quốc gia, đại học vùng, các trường đại học xuất sắc theo hiệp định hợp tác với chính phủ các nước, các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và các trường đại học sư phạm ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Đầu tư nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học. Hoàn thiện các quy định liên quan đến nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học theo hướng tạo thuận lợi, tháo gỡ các nút thắt, rào cản trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Có cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học. Tăng tỷ trọng phân bổ ngân sách chi sự nghiệp khoa học công nghệ cho các cơ sở giáo dục đại học.
Rà soát, sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đảm bảo đủ trường, lớp học, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi. Đẩy nhanh việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với mục tiêu phát triển của các vùng kinh tế - xã hội và của cả nước.
Bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định; nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài công tác trong ngành Giáo dục; thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, chuyên môn học thuật, đề cao đạo đức, trách nhiệm của nhà giáo.
Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đề nghị, đảm bảo ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sáchnhà nước. Nhà nướcđảm bảo kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi và thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm trong lĩnh vực giáo dục; ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Đẩy mạnh hơn nữa hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo tiên tiến trên thế giới.