Mới đây, sau nhiều năm toạ lạc tại vị trí đắc địa nhất Thủ đô, Highlands Coffee đã hết hợp đồng với Nhà hát Lớn để thuê địa điểm bán cà phê. Thay thế Highlands Coffee là một thương hiệu cà phê khác.
Trước đó trên website của Highlands Coffee vẫn giới thiệu Nhà hát Lớn là một trong gần 800 địa điểm đặt quán cà phê của hãng tại Việt Nam. Tuy nhiên trong danh sách cập nhật mới nhất được hãng này công bố trên mạng xã hội, cái tên Nhà hát Lớn đã không còn xuất hiện. Phía quản lý Nhà hát lớn cũng xác nhận doanh nghiệp cà phê không còn kinh doanh tại đây.
Một động thái khác khiến người tiêu dùng chú ý đó là vào cuối năm 2023, “ông lớn” bán lẻ cà phê trên thị trường Việtđã giới thiệu và phát hành thẻ thành viên, là một thẻ vật lý mang tên thương hiệu, dùng để thanh toán khi mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng Highlands Coffee (trừ những cửa hàng Highlands Coffee nằm trong các hệ thống Foodcourt Menas Mall, Giga Mall, Lotte Mart, Sense City, Aeon Mall và sân bay quốc tế Đà Nẵng). Khách hàng có thể nạp tiền vào thẻ này và thanh toán, thay vì thanh toán bằng tiền mặt.
Theo quy định của chuỗi cà phê này, thẻ sẽ được kích hoạt bằng cách nạp tiền vào thẻ với giá trị tối thiểu 100.000 đồng và được thực hiện bởi nhân viên thu ngân tại cửa hàng. Số dư trong thẻ trong mọi thời điểm tối đa là 5.000.000 đồng. Trong bất kỳ trường hợp nào số dư trong thẻ Highlands Coffee sẽ không được hoàn trả và không thể chuyển đổi thành tiền mặt. Số dư trong thẻ cũng sẽ không được tính lãi dưới bất kỳ hình thức nào. Đồng thời, hạn mức tối thiểu để có thể sử dụng thẻ Highlands Coffee thanh toán là 10.000 đồng. Thẻ có thời hạn sử dụng trong 12 tháng.
Thẻ thành viên vật lý không phải hình thức phổ biến tại các chuỗi cà phê tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các phương tiện thanh toán, chương trình tích điểm hiện đều có thể thực hiện online. Tuy nhiên, đây cũng được coi là một phương thức giúp thúc đẩy khách hàng chi tiêu thông qua việc thu hút khách nạp tiền trước. Highlands Coffee đang khuyến khích khách đăng ký và chi tiêu qua thẻ vật lý, với các ưu đãi tặng thêm 5-10% giá trị tiền nạp vào. Đồng thời, hình thức này cũng giúp phát triển nhóm khách hàng trung thành, yêu thích thương hiệu.
Tại Việt Nam, dạng thẻ thanh toán hầu hết là do ngân hàng và các tổ chức tài chính phát hành. Đối với các chuỗi trong ngành F&B, gần như là chưa có đơn vị nào đưa ra dạng thẻ thanh toán như sản phẩm mới đây của Highlands Coffee. Các chuỗi vẫn đang chỉ dừng ở việc tích điểm cho khách hàng qua các lần mua hàng.
Động thái kinh doanh của Highlands Coffee khiến nhiều người nghĩ tới cách thức kinh doanh của Starbucks, với hơn 38.000 cửa hàng tại 84 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Starbucks có chương trình thẻ thành viên Starbucks Rewards, cho phép khách hàng nạp tiền vào và dùng như thẻ thanh toán. Với Starbucks Rewards, khách hàng nạp tiền thông qua thẻ ngân hàng hoặc thẻ quà tặng. Sau đó, số tiền trả trước trong ứng dụng sẽ được đổi thành sản phẩm Starbucks và nhận lại điểm thưởng. Starbucks là thương hiệu nổi tiếng với lượng khách hàng trung thành đông đảo, nhờ vậy mà họ có thể thu thập được một lượng tiền rất lớn từ các khoản nạp trước này.
Vào thời điểm năm 2022, Starbucks từng công khai 1,7 tỷ USD được trữ trong các tài khoản Starbucks Rewards. Như vậy, Starbucks đã nắm giữ một khoản tiền rất lớn và họ cũng không phải trả đồng lãi nào. Đây là số tiền mà Starbucks có thể sử dụng để tái đầu tư vào các mảng kinh doanh khác hoặc sử dụng nó để mở các cửa hàng mới.
Chưa hết, khách hàng đôi khi sẽ quên hoặc không có ý định uống cà phê nữa, do đó phần tiền họ nạp vào vẫn nằm lại trong thẻ của Starbucks. “Một vài đô la còn lại trong ứng dụng thanh toán nghe có vẻ không nhiều, nhưng cộng dồn của nhiều khách hàng lại thì sẽ khác" là ý kiến được nhiều người tiêu dùng nói về cách thức kinh doanh nêu trên của Starbucks.
Tương tự Highlands, khách hàng của Starbucks sẽ không thể rút số dư từ tài khoản Starbucks Rewards ra tiền mặt.
Như vậy, về mặt kỹ thuật, Starbucks trông giống như một nơi giữ tiền, tương tự nhà băng song tiền họ khác ngân hàng ở chỗ là tiền chỉ sử dụng cho việc chi tiêu mua sắm. Điều này cũng giúp thương hiệu lách qua các quy định quản lý tài chính.