48% doanh nghiệp lựa chọn tên miền “.vn”
Sáng 25.4, tại Hà Nội, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức sự kiện thường niên Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2025 (VOBF 2025) với chủ đề “Chiến thắng trong kỷ nguyên AI”. Tại sự kiện, VECOM đã công bố Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2025 (EBI 2025).

Trình bày báo cáo, Trưởng ban Hợp tác VECOM Đoàn Quốc Tâm cho biết, năm 2024, ước tính quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 32 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng 27%. Trong đó, bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 22,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm trước. Với kết quả này, thương mại điện tử chiếm khoảng 12% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cao hơn mức 10% của năm 2023.
Từ bức tranh tổng thể của kinh tế đất nước, quy mô thị trường từ năm 2024 cùng một loạt chính sách và văn bản pháp luật sẽ có hiệu lực hoặc được ban hành trong năm 2025, VECOM đánh giá đây sẽ là năm chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới – giai đoạn phát triển thứ tư của thương mại điện tử nước ta. “Giai đoạn này sẽ bắt đầu từ năm 2026 và là giai đoạn phát triển nhanh, bền vững”.
Kết quả khảo sát thường niên về tình hình ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp trong cả nước và thu về được trên 5.000 phiếu khảo sát hợp lệ để phục vụ hoạt động phân tích trong EBI 2025 cho thấy, 90% doanh nghiệp có sử dụng phần mềm kế toán, tài chính. Đây cũng là phần mềm được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất trong 8 nhóm phần mềm được đề cập. Các công cụ phân tích thương mại điện tử chuyên sâu hay việc ứng dụng AI hỗ trợ hoạt động kinh doanh vẫn chưa được doanh nghiệp quan tâm đầu tư.
Có 74% doanh nghiệp sử dụng chữ ký điện tử vào hoạt động kinh doanh, tỷ lệ này không có thay đổi nhiều so với năm trước. Chỉ có 29% doanh nghiệp cho biết có sử dụng dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử.
Trong số các hình thức thương mại điện tử được doanh nghiệp triển khai, 46% cho biết đã xây dựng website để quảng bá và kinh doanh, Trong đó tên miền .vn vẫn được doanh nghiệp quan tâm nhất, với 48% cho biết ưu tiên lựa chọn tên miền này, tiếp đến là tên miền .com (47%).
Trong tổng số các doanh nghiệp có website, có 75% đã tích hợp tính năng tương tác trực tuyến (zalo, facebook…) với khách hàng của mình trên chính các nền tảng website đó.
Số doanh nghiệp kinh doanh qua mạng xã hội (facebook, zalo, Instagram…) chiếm 52%, giảm so với mức 58% của năm 2023. Có 26% doanh nghiệp cho biết có hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử; đặc biệt trong nửa cuối năm 2024, xu hướng kinh doanh qua sàn được đông đảo doanh nghiệp ưu tiên.
EBI cũng nêu rõ, mạng xã hội tới nay vẫn đang là kênh đem lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp trong hoạt động quảng bá và bán sản phẩm trên môi trường trực tuyến. Theo đó, có tới 47% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả bán sản phẩm trên mạng xã hội là rất cao.

Doanh nghiệp mong tháo gỡ hai nhu cầu lớn nhất
Đối với thương mại điện tử xuyên biên giới, tỷ lệ doanh nghiệp có sử dụng website hoặc các ứng dụng thương mại điện tử để phục vụ mục đích xuất khẩu trong năm 2024 có tăng so với năm 2023. Tuy nhiên, nhìn chung đa số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và đầu tư vào chiến lược xuất khẩu trực tuyến.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021 – 2024, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng website/ứng dụng thương mại điện tử phục vụ xuất khẩu lần lượt chỉ đạt 18%, 17%, 14% và 17%.
Năm 2024, phần lớn doanh nghiệp vẫn theo hình thức xuất khẩu thông qua website hoặc ứng dụng của doanh nghiệp tự xây dựng (chiếm 77%). 51% doanh nghiệp cho biết giá trị xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử mới đạt dưới 10% trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa.
Mặc dù quy mô, giá trị xuất khẩu trực tuyến tới nay còn hạn chế, nhưng phần lớn doanh nghiệp được khảo sát đều đánh giá cao về hiệu quả ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất khẩu cũng như tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới.
Đáng chú ý, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã có sự cải thiện. Có 42% doanh nghiệp cho biết thường xuyên tra cứu thông tin trên website của các cơ quan nhà nước để phục vụ hoạt động vận hành và kinh doanh hàng ngày, cao hơn tỷ lệ 36% của năm 2023. Khai báo thuế điện tử đang là dịch vụ công được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất, với 91%, tiếp theo là dịch vụ công phục vụ hoạt động đăng ký kinh doanh.
Để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước hỗ trợ hai nhu cầu hàng đầu hiện nay. Đó là đào tạo, tập huấn kỹ năng thương mại điện tử và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương.
Đại diện VECOM tin tưởng EBI 2025 sẽ là nguồn thông tin hữu tích cho mọi đối tượng quan tâm tới kinh doanh trực tuyến; trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước có thể nghiên cứu, đưa ra các giải pháp để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.