Ảnh hưởng đến muôn đời
Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 2015), ngày 13.10, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội thảo Ảnh hưởng của Nguyễn Du với văn chương hiện đại. GS. Phong Lê nhận định: Nói Nguyễn Du ở thời điểm hôm nay là nói đến những kỷ lục mà trước và sau ông không ai sánh được. Một số lượng trang viết về ông trên hàng trăm pho sách, hàng chục vạn trang, không lúc nào ngưng nghỉ, trong ngót 200 năm, và càng về sau càng dày, càng nặng. Một số lượng người đọc không thể nào tính hết, vì đó là sự cuốn hút khắp mọi tầng lớp cư dân, bất kể địa vị xã hội, thành phần sang hèn, từ ông vua tự nhận hay chữ đến tầng lớp bình dân chưa hề biết chữ, trong đó không hiếm người thuộc lòng hàng nghìn câu thơ Kiều, hoặc có thể đọc ngược rất nhiều đoạn. Đã có trên dưới 35 bản dịch Truyện Kiều của hơn 20 ngôn ngữ trên thế giới và vẫn còn tiếp tục. Đó là đường biên rộng nhất cho sức lan tỏa của một tác phẩm.

Nguyễn Du là người đầu tiên của văn chương Việt được UNESCO tôn vinh là Danh nhân văn hóa; là người sáng danh nhất không chỉ trong nền văn chương Việt trung đại mà cả lịch sử văn chương Việt. Ông có ảnh hưởng đến mọi thế hệ nhà văn, nhà thơ Việt. Và ảnh hưởng lớn nhất của Nguyễn Du đến các thế hệ văn chương hiện đại, theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đó là nhân cách chứa đựng lòng thương yêu con người, sự tuyệt đỉnh trong ngôn ngữ của thể loại lục bát.
Với một sự nghiệp viết không thực đồ sộ nhưng có giá trị kết tinh cao, đặc biệt là kiệt tác Truyện Kiều, Nguyễn Du là tác gia lớn của dân tộc Việt Nam. GS. Phong Lê đánh giá: “Với Truyện Kiều, và với nhân vật Thúy Kiều, Nguyễn Du đã tạo được giao thoa giữa tư duy nghệ thuật cổ điển và hiện đại. Tức là sự vượt thoát ngoạn mục từ bộ đồng phục của văn chương cổ điển với mọi ước thúc, ràng buộc chật chội của nó, sang bộ cánh hiện đại, khiến cho bất cứ người đọc nào trong chúng ta hôm nay cũng không thấy bỡ ngỡ hoặc xa lạ. Nếu cần một câu thơ đúc kết được trọn vẹn thành tựu của sự vượt thoát đó ở Nguyễn Du, thì đó là: Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Chỉ 8 chữ mà gắn nối được phương thức tư duy của chủ nghĩa hiện thực - những điều trông thấy - với đích đến là chủ nghĩa nhân đạo - mà đau đớn lòng…”.
Đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ
Nhà thơ VƯƠNG TRỌNG: “Đọc Kiều từ khi tập đánh vần và chưa hết cấp hai đã thuộc trọn vẹn toàn bộ 3.254 câu thơ Kiều, với lứa tuổi thiếu nhi của tôi, Truyện Kiều đồng nghĩa với thơ và thơ là Truyện Kiều... Sau này khi đã tương đối hiểu Truyện Kiều, tôi cảm nhận được nhiều cái hay của tuyệt tác này, nhưng để vận dụng vào việc sáng tác của mình thì chỉ được một phần nhỏ”. |
Nói Nguyễn Du, qua Truyện Kiều là nói một chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và rộng lớn với tư duy nghệ thuật vượt tầm thời đại. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Truyện Kiều có sức sống vượt thời gian, bởi đó là sự kết nối và đưa lên đỉnh cao vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt. Nhà thơ Vương Trọng nhấn mạnh: “Đại thi hào Nguyễn Du làm giàu tiếng Việt, gồm 3 ý chính: tạo thêm từ mới, tạo thêm nghĩa mới cho từ đã có, và tạo cách diễn đạt mới… Làm thơ lục bát giống như đựng đồ đạc vào hộp các tông, thể tích định sẵn, ai khéo tay thì lèn được nhiều. Nguyễn Du là người siêu tài khi lèn ý thơ vào hộp các tông lục bát, nghĩa là tăng dung lượng tối đa chứa đựng trong một câu thơ lục bát. Điều này cụ đem kinh nghiệm khi làm thơ chữ Hán áp dụng sang thơ Nôm, nên có nhiều câu lục bát trong Truyện Kiều làm người đọc ngạc nhiên về sức chứa của nó. Học từ Truyện Kiều, khi làm thơ tôi luôn có ý thức giảm tối đa những khoảng trống trong hộp các tông lục bát...”.
Nhà thơ Đỗ Trung Lai đồng tình: Truyện thơ ở Việt Nam khá phong phú, nhưng hầu hết đều được viết một màu, theo kiểu trần thuật - tự sự đơn giản. Thể loại lục bát trong thơ ca ta rất phong phú (trong ca dao, hò vè, quan họ, quan ghẹo, hát ru, hát chèo...), nhưng đó chỉ là những “đoản khúc”, dẫu không thiếu chau truốt. “Với Truyện Kiều, Nguyễn Du là người đầu tiên và duy nhất đã lập tức đưa tiếng Việt lên đến đỉnh cao nhất của nghệ thuật ngôn từ - nghệ thuật văn chương - và cũng lập tức làm cho nó trở thành cổ điển!”