Dù Ngô Y Linh không một ngày nhận trách nhiệm quản lý đơn vị, nhưng học trò của ông, những nghệ sỹ kỳ cựu của nhà hát đã rất có lý khi đặt hình ảnh ông thầy của mình ở vị trí trang trọng, bên cạnh chân dung các nghệ sỹ tiền bối, những người đã có công xây dựng và phát triển nhà hát.
Dễ đã hơn nửa thế kỷ. Nửa thế kỷ đủ để một thiếu nữ trở thành một người không còn trẻ nữa, và những kỷ niệm của một thời rất xa, trong phút chốc đã chen chúc ùa về...
Sau một kỳ tuyển trạch đầy khó khăn mà người ngồi ghế giám khảo là thầy Đình Quang (NSND, GSTS, nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa) và một chuyên gia Liên Xô, ông M. Astansky (Nghệ sỹ công huân, giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Moscow), lớp học sinh diễn viên và đạo diễn chính quy đầu tiên của Việt Nam nhận được giấy triệu tập.
Tháng 2.1961, trường Sân khấu Việt Nam (tiền thân của trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh) khai giảng, mang tên Phân hiệu kịch nói, một bộ phận của trường Điện ảnh và Kịch nói Việt Nam .
Suốt học kỳ đầu tiên, giảng viên chính thức là thầy Đình Quang. Thầy Chu Ngọc, vừa qua tai nạn nghề nghiệp nên chỉ được lên lớp với chức danh giáo vụ. Hệ thống lý luận do các thầy bên trường trung cao quân sự, trung cao chính trị và Đại học Tổng hợp đảm nhận. Nghe phong thanh, sắp có một số sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu Bắc Kinh về giảng dạy tại trường.
Một ngày đẹp trời cuối thu năm học đầu tiên, chúng tôi chuẩn bị đi dã ngoại bằng xe đạp ở chùa Trầm(1). Trước khi xuất phát, giáo vụ phổ biến, hôm nay sẽ có cuộc gặp gỡ với các giảng viên mới tại nơi cắm trại. Đây sẽ là buổi ra mắt học trò của hai giảng viên trẻ: Nguyễn Đình Nghi và Ngô Y Linh.
Còn nhớ mãi buổi gặp mặt ấn tượng hôm đó. Các thầy tuy cùng độ tuổi, nhưng chỉ mới tiếp xúc, giác quan thính nhậy của bọn con gái chúng tôi đã lập tức nhận ra sự khác biệt trong tính cách của mỗi thầy và bàn tán nhỏ với nhau.
Mái tóc xoăn bất trị, chiếc máy ảnh Kiev đeo trễ nải trên vai và cặp mắt nheo nheo tinh nghịch khiến thầy Ngô Y Linh mang dáng dấp lãng tử và dễ gần. Sau này, có lần chứng kiến, ông thầy trẻ mặc chiếc áo sơ mi chui đầu kẻ sọc xanh, phóng xe đạp tuốt từ trên dốc đê Hoàng Hoa Thám xuống sân trường, bọn nữ sinh chúng tôi mắt tròn mắt dẹt nhìn nhau. Chiếc xe đạp Tiệp Khắc mầu xanh, mác Favorit lúc đó là một phương tiện đi lại sang trọng.
Có lần thầy còn hào hứng khoe, đã từng bị công an dốc Cầu Giấy tuýt còi vì dáng vẻ bên ngoài như một “cao bồi” chính hiệu. Chắc mấy chú công an không hề biết mình đã tuýt còi một đảng viên trẻ, một giao liên hoạt động nội thành Sài Gòn, tập kết ra Bắc năm 1954, du học sinh từ Trung Quốc mới về và đang là giảng viên của trường Sân khấu.
Kể lại chuyện này, thầy cười sảng khoái tự bình phẩm: “Của đáng tội, thoạt nhìn, mình cũng rất giống một thanh niên càn quấy...”
Gần bốn năm học, không rõ cơ duyên nào, tôi không hề được thụ giáo trực tiếp thầy Ngô Y Linh, nhưng cách giảng dạy “tài tử” của ông đã là một nét chấm phá thu hút sự chú ý của học sinh. Bên cạnh những giờ lên lớp chung đậm chất sư phạm của thầy Đình Quang, những buổi dàn tập nghiêm cẩn mang rất rõ chất hàn lâm của thầy Đình Nghi thì những buổi học chuyên môn của thầy Ngô Y Linh lại bay bướm, pha chút hào hoa và luôn giòn giã tiếng cười.
Bài tập biểu diễn học kỳ đầu ở lớp diễn viên do thầy Ngô Y Linh chủ nhiệm là những tiểu phẩm nhẹ nhàng, hóm hỉnh. Định Tân, Thu Hằng, Hoàng Quang Thiện... là những học sinh xuất sắc của lớp giai đoạn ấy. Giờ giải lao, bọn chúng tôi, ít tuổi nhất trường, thường rủ nhau nghé sang phòng học của “lớp anh Linh”, cười góp.
Sang đến học kỳ hai, bài tập là những trích đoạn. Nổi đình đám là “Đường đi qua làng”, trích từ một tiểu thuyết (hình như là của nhà văn Nguyễn Quang Sáng), do thầy Ngô Y Linh dàn dựng. Bọn chúng tôi lần đầu tiên thích thú rủ nhau nghe lỏm những giai điệu “nhạc vàng”, dòng nhạc lúc đó đang bị cấm, được sử dụng trong trích đoạn kịch: “Yêu ai, yêu cả một đời...”(2) Từ trích đoạn này, bắt đầu thấy bóng dáng một nữ diễn viên chủ chốt xôlôít tương lai của Nguyệt Ánh (1943 - 2004). Quả đúng như vậy, dưới sự chỉ đạo của thầy trong kỳ thi tốt nghiệp, Nguyệt Ánh đã được các thầy chấm năm điểm Liên Xô về diễn xuất vai Nila trong vở kịch cùng tên. Vở kịch đã làm mưa làm gió khắp miền Bắc, với kỷ lục 2.000 đêm diễn. Tốt nghiệp, chị đã từng là diễn viên chính, là NSƯT của Nhà hát Kịch Việt Nam với nhiều vai diễn nổi tiếng.
Thầy Ngô Y Linh luôn có một “từ trường” tươi trẻ thu hút bọn chúng tôi. Khác hẳn với vẻ nghiêm ngắn mô phạm của các thầy khác và cô Kim Oanh(3), thầy luôn bị vây kín bởi bọn học sinh lớp diễn viên, phần lớn chưa đến tuổi hai mươi, tinh nghịch, ham vui, tò mò, ham hiểu biết. Thầy khoe với chúng tôi tập album, ghi lại hình ảnh của các thầy những năm đang theo học tại Đại học Sân khấu Bắc Kinh và tự trào “ngày ấy bọn tớ nhìn rất ngố”. Chỉ vào bức ảnh các thầy ngồi oai vệ bên bàn làm việc trong ký túc xá trường đại học, mái tóc húi rõ cao, đặc chất Tầu, thầy hóm hỉnh giải thích: “Mặc veston cho oai, còn bên dưới chỉ có quần xà lỏn”. Thế là thầy trò ngất ngư cười.
Những tấm ảnh ghi lại bài tập môn hý khúc ở Đại học Sân khấu Bắc Kinh gây ấn tượng với chúng tôi khi thầy chỉ vào một cô gái trong ảnh và thật ngạc nhiên khi nhìn kỹ, cô gái Trung Hoa cổ ấy lại chính là ông thầy của mình sau khi đã hóa trang. Không quên những buổi đẹp trời, trên bãi cỏ rộng sân trường, thầy đã diễn một đoạn ngắn trong vở hý kịch “Tần Hương Liên” với những bước vũ đạo Tầu rất điêu luyện. Bọn học trò nhỏ đứng vòng ngoài hoan hô rầm rĩ.
Tôi có một kỷ niệm không quên, khi thầy bất chợt gặp tôi ở bến xe điện Cửa Nam một chiều chủ nhật. Vẫn ngồi trên chiếc xe “Favorit sang trọng”, thầy gọi và hỏi tôi:
- Cô có muốn đi xem “Iêckuts” không?
Lúc đó vở kịch “Câu chuyện Iêckuts”(4) của Đoàn Kịch Trung ương đang gây cơn sốt vé ở Hà Nội và bọn học sinh trường kịch đứa nào cũng muốn được một lần đi xem. Không tin vào tai mình, tôi ngơ ngác hỏi lại:
- Dạ... Nhưng tối nay chúng em phải vào trường tập trung rồi ạ.
Thầy cười bao dung, chỉ vào poocbaga chiếc xe đạp, bảo tôi:
- Được rồi, cứ ngồi lên đây, tôi cho phép.
Sáng hôm sau, trong phòng ký túc xá, tôi đã hãnh diện kể lại câu chuyện vở kịch mình được xem tối hôm trước và tha hồ thêm mắm thêm muối cho các tình tiết của vở kịch theo sự nhớ nhớ quên quên của mình. Lũ bạn cùng phòng, những Mỹ Dung, Tuyết Mai, Phan Phúc... ngẩn mặt ngồi nghe, thích nhất là câu thoại lãng mạn của Valia với Sergei mà đứa nào cũng thuộc: “Một giọt mưa rơi lọt vào cổ áo em...”
Vốn là một người đa tài, có năng khiếu về mỹ thuật hội họa nên những tiểu phẩm, kịch ngắn trong lớp, phần lớn đều do thầy Ngô Y Linh thực hiện có chất lượng. Phục trang từng nhân vật, được thầy thiết kế hoặc yêu cầu họa sỹ thiết kế theo ý tưởng của mình. Gần như toàn bộ phục trang của nhân vật Nila là do ý tưởng của thầy đề xuất để họa sỹ và người may trang phục thực hiện. Bộ đầm xen lẫn hai mầu đen và tím của nhân vật, khiến Nila rực rỡ hẳn lên và có vẻ bí hiểm trong màn đấu trí với tên trùm Gestapo còn khiến tôi nhớ mãi đến tận bây giờ. Một thời gian dài sau đó, bọn con gái trong trường, hầu như đứa nào cũng may áo phỏng theo mẫu cổ quả tim mà thầy đã thiết kế cho trang phục của Nila.
1964. Chiến trường miền Nam đến hồi khốc liệt, giục giã mọi người lên đường. Vùng giải phóng đang cần những chiến sỹ văn hóa văn nghệ được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm từ hậu phương lớn trở về.
Vốn quê nội ở vùng Bến Tượng, Thái Nguyên, nhưng Ngô Y Linh từ lâu đã coi mình là một người con của miền Nam. Sau Cách mạng tháng 8.1945, ông tham gia giao liên, hoạt động nội thành tại Sài Gòn. Năm 1954 tập kết ra Bắc theo sự sắp xếp của tổ chức và được cử đi học Đại học Sân khấu Bắc Kinh, ông đã để lại miền Nam người vợ trẻ và đứa con nhỏ.
Nghe theo tiếng gọi của miền Nam mà ông yêu như máu thịt, bỏ lại sau lưng những dự định, những hoài bão trong tương lai, những tiện nghi sinh hoạt hơn hẳn ở chiến trường, Ngô Y Linh đã trở về miền đất cũ đầy kỷ niệm để tiếp tục công tác và chiến đấu. Nhiều năm sau đó, ông là chỉ đạo nghệ thuật của Đoàn Kịch nói Cửu Long Giang, làm đạo diễn và sáng tác. Sân khấu cách mạng phía Nam đã ghi nhận Ngô Y Linh là một đạo diễn, một người thầy và một tác giả xuất sắc. Là một đạo diễn tài hoa, không chỉ giỏi khai thác tâm lý nhân vật, ông còn vận dụng mỹ thuật, một trong những mặt mạnh của mình, để tăng hiệu quả cho vở diễn.
Hàng loạt kịch bản được sáng tác trong giai đoạn này mang bút danh Nguyễn Vũ, một cái tên mang nhiều kỷ niệm của ông, được ưu ái liên tục gửi ra cho Đoàn Kịch nói Nam Bộ dàn dựng, cho Khoa Kịch, trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, (có sự thay đổi về tên gọi khi chuyển từ trường Điện ảnh và Kịch nói thành trường Nghệ thuật Sân khấu) nơi mà ông đã là một trong những viên gạch đầu tiên, là nòng cốt xây dựng trường và cũng là một trong những nơi ông để lại nhiều tình cảm.
Đường phố dậy lửa, Ngọn lửa, Đất nước mùa xuân, Đâu có giặc là ta cứ đi, Đêm đen... những kịch bản ngắn của ông được gửi ra từ chiến trường, nóng hổi tính thời sự, phản ánh chân thực diễn biến của cách mạng, trở thành tiết mục xung kích được hoan nghênh của các đoàn nghệ thuật miền Bắc. Kỳ thi tốt nghiệp của khóa I khoa kịch còn có chương trình Nửa đất nước trong đêm tập hợp ba vở ngắn của thầy.
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ngô Y Linh đã là người đầu tiên chủ xướng, cùng nhà văn Vũ Hạnh lập một nhóm kịch “dã chiến” nhỏ, đi lưu diễn khắp nơi, đề tài lấy từ tin tức thời sự, báo chí và cả những câu chuyện đời thường để tuyên truyền cho thắng lợi của cách mạng.
21 tháng 7 năm 1978, tiếc thay tài năng sớm tắt, thầy Ngô Y Linh đã qua đời ở tuổi 49 vì căn bệnh ung thư. Trước khi mất một ngày, ông còn vỗ bụng đùa với đám học trò khóa I ngày nào, từ miền Bắc vào thăm: “Ngày xưa là Nila, cô bé đánh trống trận, còn bây giờ là ông lão...”
Gần hai mươi năm hoạt động, ông đã để lại một sự nghiệp sân khấu đồ sộ với hàng loạt vở diễn do ông sáng tác và dàn dựng.
Năm 1984, ông được nhà nước truy tặng danh hiệu NSND và sau đó là giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Như người bạn đồng môn của chúng tôi, NSƯT Minh Ngọc đã: “Cảm ơn vì Thầy không chỉ cho học sinh của mình những bài học về chuyên môn mà còn là nhân cách và cách ứng xử...”
NSND Đình Quang, người bạn học, người đồng nghiệp của đạo diễn Ngô Y Linh đã nói về sự ra đi của bạn mình: “Cái chết thật sự chỉ diễn ra trong sự quên lãng. Ngô Y Linh vĩnh viễn sống trong cõi nhớ”.
_______________
1 Chùa Trầm ở huyện Chương Mỹ, Hà Đông, nay thuộc Hà Nội.
2 Sáng tác của nhạc sỹ Nguyễn Văn Khánh.
3 Giảng viên tiếng nói sân khấu, vũ đạo và hình thể.
4 Tên một vởã kịch Nga (An Irkutsk Story), tác giả Aleksei Arbuzov (1908 - 1986).