Người lao động thử việc có phải đóng bảo hiểm xã hội không?

Xin hỏi, người lao động thử việc có phải đóng bảo hiểm xã hội không? Thời gian thử việc là bao lâu? – Câu hỏi của bạn Thanh Lâm (Hoà Bình).

Người lao động thử việc có phải đóng bảo hiểm xã hội không? -0
Ảnh minh hoạ

Luật sư Vũ Tuấn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:

Quy định về thử việc như thế nào?

Theo Điều 24, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về thử việc như sau:

- Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

- Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm những nội dung sau:

+ Thời gian thử việc

+ Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

+ Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

+ Công việc và địa điểm làm việc;

+ Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

+ Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

- Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.

Người lao động thử việc có phải đóng bảo hiểm xã hội không?

Căn cứ theo khoản 1, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

- Cán bộ, công chức, viên chức;

- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

- Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo  hợp đồng;

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Theo quy định trên, yếu tố đầu tiên để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là có sự giao kết hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Do vậy, thử việc 02 tháng theo hợp đồng thử việc thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tuy nhiên, hiện nay, người lao động có thể thử việc dưới 02 hình thức:

- Giao kết hợp đồng thử việc;

- Thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động.

Đối với người lao động có thời gian thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà hợp đồng đó thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì cả người sử dụng lao động và người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho cả thời gian thử việc.

Thời gian thử việc theo quy định là bao lâu?

Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

- Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

- Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác. (Điều 25, Bộ luật Lao động năm 2019).

Giải đáp pháp luật

Bị cho nghỉ cuối năm vì khó khăn kinh tế, người lao động có được hưởng trợ cấp mất việc không?
Giải đáp pháp luật

Bị cho nghỉ cuối năm vì khó khăn kinh tế, người lao động có được hưởng trợ cấp mất việc không?

Xin hỏi, trường hợp bị cho nghỉ việc cuối năm vì khó khăn kinh tế, người lao động có được hưởng trợ cấp mất việc không? Không trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đủ điều kiện hưởng thì bị phạt thế nào? – Câu hỏi của bạn Đức Huy (Hải Dương).

“Trợ lý ảo” báo cáo kết quả công tác chuyển đổi số trong TAND tại Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành của TAND tối cao.
Giải đáp pháp luật

Nâng hiệu quả xét xử nhờ trợ lý ảo

Những năm gần đây, ngành tòa án Việt Nam đã chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là trong công tác xét xử và hành chính tư pháp. Một trong những thành tựu đáng chú ý là việc triển khai phần mềm trợ lý ảo tòa án, hỗ trợ cán bộ tòa án trong việc tra cứu văn bản pháp luật, giải quyết tình huống pháp lý và nâng cao hiệu quả xét xử.