Những ngày vừa qua, vụ việc 10 người ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum sau khi ăn cá chép muối ủ chua (một món ăn truyền thống của người dân địa phương) tại Quảng Nam gây xôn xao dư luận. Trong số các bệnh nhân, có 1 trường hợp đã tử vong, 3 người khác diễn tiến nặng, phải thở máy.
Tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế Quý I mới đây, trả lời về giải pháp tăng cường phòng chống ngộ độc cho người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi với các món ăn truyền thống chưa an toàn, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, tại các địa phương ở Việt Nam có rất nhiều món ăn truyền thống đã tồn tại qua nhiều thế hệ.
Có những món truyền thống quá trình chế biến hầu như không thay đổi từ trước đến nay, nhưng nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất ít, ví dụ như các loại bánh truyền thống được hấp, nấu chín, bảo quản lạnh trước khi sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn những món ăn có cách thức chế biến, sử dụng không an toàn như gỏi cá, tiết canh,…
“Về vấn đề này, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo địa phương vận động người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng tiếp cận thông tin hạn chế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thông qua các già làng, trưởng bản, các vị chức sắc, các tài liệu bằng tiếng dân tộc để người dân thay đổi thói quen không bảo đảm vệ sinh. Qua các hình thức vận động, tuyên truyền này nhiều vụ ngộ độc trước đây đã giảm rõ rệt (ví dụ như bánh trôi ngô gây tử vong hiện nay đã giảm rất nhiều)”, Cục An toàn thực phẩm thông tin.
Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết trong thời gian tới, cần tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân từ bỏ việc ăn các món ăn truyền thống có nguy cơ cao như tiết canh, gỏi cá.
Đối với các món truyền thống khác, cần vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân loại bỏ nguy cơ từ việc lựa chọn nguyên liệu, vệ sinh trang thiết bị, chế biến, bảo quản và sử dụng đúng cách. Từ đó, hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Trước đó, ngày 15.2, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn số 278/ATTP-NĐTT đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên gây ra.
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của các địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên làm thực phẩm.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên cho cộng đồng, khuyến cáo người dân không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc ̣ như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ...; đồng thời hướng dẫn biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương.
Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc. Bên cạnh đó, các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra.