NGHỊ QUYẾT Về xây dựng và phát triển Quốc hội số giai đoạn 2024 – 2026, định hướng đến năm 2030

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 28/2018/QH14, Luật số 07/2022/QH15;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 59/2020/QH14, Luật số 56/2024/QH15;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14, Luật số 20/2023/QH15, Luật số 24/2023/QH15;

Căn cứ Nghị định số 26/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 137/2024/NĐ-CP ngày 23 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử;

Xét đề nghị của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tại Tờ trình số 3215/TTr-VPQH ngày 23 tháng 12 năm 2024,

QUYẾT NGHỊ:

I. BỐI CẢNH, TÌNH HÌNH

1. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu khách quan đối với mỗi quốc gia và trong tất cả các lĩnh vực. Nhiều nước đã xây dựng và triển khai các chiến lược, chương trình quốc gia về chuyển đổi số, tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và học máy, tăng cường tự động hóa quy trình … Ở nước ta, chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã tiếp tục xác định chuyển đổi số là một tất yếu khách quan và đặt mục tiêu chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện; xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia; hình thành hệ thống Trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương liên thông, đồng bộ và thống nhất.

Thực hiện chủ trương của Đảng, trong những năm qua, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn coi trọng và quan tâm chỉ đạo đầu tư, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Quốc hội; tăng cường chuyển đổi số trong các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin từng bước đáp ứng yêu cầu trong việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu. Hệ thống máy vi tính kết nối Internet cơ bản ổn định; một số kho thông tin được xây dựng, cập nhật, bổ sung dữ liệu. Đại biểu Quốc hội và cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử, khai thác thông tin từ mạng thông tin nội bộ; App Quốc hội cơ bản đáp ứng yêu cầu; nhiều hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin được khai thác, sử dụng rộng rãi và hiệu quả. Đặc biệt, trong giai đoạn COVID-19, Quốc hội đã vượt qua khó khăn, thách thức, kịp thời ứng phó với đại dịch, thích nghi với tình hình mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến, biểu quyết điện tử trên thiết bị di động, số hóa tài liệu phục vụ đại biểu Quốc hội … Kết quả hoạt động của Quốc hội được Đảng, Nhân dân và cử tri ghi nhận, đánh giá cao.

2. Quốc hội là cơ quan trọng yếu, xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô; giám sát tối cao các hoạt động của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, hạ tầng công nghệ thông tin đã lạc hậu, nhiều thiết bị xuống cấp và hầu như không có dự phòng; đầu tư cho công nghệ thông tin còn hạn chế; chưa kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; công tác bảo đảm an toàn thông tin tiềm ẩn rủi ro; một số cán bộ, công chức chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin; đội ngũ công chức, viên chức chuyên trách về công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại Quốc hội trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiên tiến, hiện đại là cấp thiết, nhằm: (1) Tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về phương thức hoạt động, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, giảm thời gian giải quyết công việc, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của Quốc hội trên môi trường số; (2) Bảo đảm tương thích với chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; (3) Đáp ứng các yêu cầu, chuẩn mực chung về công nghệ thông tin và chuyển đổi số của quốc gia; (4) Đồng bộ hạ tầng số, các nền tảng công nghệ số, các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan trung ương và các cơ quan của Quốc hội.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN QUỐC HỘI SỐ GIAI ĐOẠN 2024-2026, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

1. Quan điểm

Thứ nhất, bám sát đường lối, chủ trương, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội. Tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc và quy định của Đảng, Hiến pháp và pháp luật, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là động lực quan trọng cho sự phát triển và có tính động, tính mở để phù hợp với định hướng, chỉ đạo trong từng giai đoạn phát triển của Quốc hội và của đất nước.

Thứ hai, lấy đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức, Nhân dân, cử tri làm trung tâm chuyển đổi số của Quốc hội theo phương châm “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ ứng dụng”; tăng cường sự tương tác giữa cử tri và Quốc hội; thực hiện tốt vai trò đại diện của Nhân dân trên nền tảng số; thúc đẩy sự tham gia của người dân vào các hoạt động của Quốc hội.

Thứ ba, gắn mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng chuyển đổi số của Quốc hội với chiến lược, chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đáp ứng các chuẩn mực chung về công nghệ thông tin và chuyển đổi số của quốc gia; tiếp tục đổi mới, cải tiến nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Bảo đảm sự liên kết, liên thông, chia sẻ, đồng bộ giữa các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và với Trung tâm dữ liệu quốc gia, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị.

Thứ, lấy cơ sở dữ liệu của Quốc hội làm nguồn tài nguyên, là động lực, là trung tâm xây dựng nền tảng số, dữ liệu số để xây dựng và phát triển Quốc hội số một cách toàn diện, tổng thể; tôn trọng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; kế thừa có chọn lọc kết quả của các dự án công nghệ thông tin đã và đang vận hành; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng trong quá trình xây dựng và phát triển Quốc hội số.

2. Mục tiêu tổng quát

Thực hiện chuyển đổi số của Quốc hội, xây dựng và phát triển Quốc hội số; đổi mới phương thức hoạt động, quy trình nghiệp vụ của Quốc hội dựa trên nền tảng dữ liệu và công nghệ số, bảo đảm liên thông, liên kết, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan trong hệ thống chính trị; chuyển toàn bộ hoạt động của các cơ quan từ môi trường truyền thống sang môi trường số góp phần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyên nghiệp, hiện đại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội; công tác chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Tạo môi trường, điều kiện tương tác giữa cử tri với đại biểu Quốc hội. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu tập trung, bảo đảm an toàn, an ninh, bảo mật và xác thực thông tin; phù hợp, đồng bộ với chương trình chuyển đổi số quốc gia.

3. Mục tiêu cụ thể

3.1. Giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2026:

- Hoàn thành tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin sang hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, có tính dự phòng cao, đáp ứng tiêu chuẩn; 100% đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức được trang bị chữ ký số.

- Kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia; kết nối, liên thông với các cơ quan có liên quan trong hệ thống chính trị, với nghị viện điện tử, nghị viện số của các nước và Liên minh Nghị viện Thế giới.

- 100% quy trình, nghiệp vụ được thực hiện trên môi trường số. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn.

- 100% hồ sơ tài liệu không mật được số hóa và cập nhật vào cơ sở dữ liệu; hướng tới các tài liệu mật được số hóa và quản lý, sử dụng trên môi trường số.

- Xây dựng hệ thống phần mềm công nghệ thông tin hỗ trợ: Công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, công tác đại biểu, công tác dân nguyện; nền tảng truyền thông giữa Quốc hội với cử tri; công tác chỉ đạo, điều hành và công tác quản trị nội bộ phù hợp với Kiến trúc tổng thể Quốc hội số.

- Đầu tư xây dựng, thuê hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của Quốc hội với năng lực xử lý dữ liệu lớn; hạ tầng truyền thông bảo đảm tốc độ kết nối, ổn định, an toàn; cơ sở dữ liệu người dùng tập trung, hệ thống xác thực điện tử sử dụng chung, thống nhất trên cơ sở Kiến trúc Quốc hội số.

3.2. Giai đoạn từ năm 2027 đến năm 2030:

Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu. Hoàn thành việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu với hệ thống bảo mật thông tin nhiều lớp đáp ứng yêu cầu giám sát liên tục; phát hiện, cảnh báo sớm và phản ứng nhanh với các cuộc tấn công mạng, đủ khả năng chống lại các mối đe dọa mạng với các giải pháp sử dụng công nghệ tiên tiến. Kết nối, báo cáo kịp thời thông tin giám sát an toàn, an ninh mạng về cơ quan chức năng và bảo đảm phát hiện sớm các nguy cơ đe dọa an toàn, an ninh mạng.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ

1.1. Xác định trụ cột của phát triển Quốc hội số là cơ sở pháp lý, nhân sự, dữ liệu và công nghệ. Hoàn thiện cơ sở pháp lý để vận hành, quản lý, khai thác các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ Quốc hội số, nhất là tái cấu trúc hoặc đổi mới mô hình, quy trình hoạt động nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

1.2. Xây dựng Kiến trúc Quốc hội số dựa trên nền tảng số, dữ liệu lớn và dữ liệu mở với mục tiêu lấy đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức và Nhân dân, cử tri làm trung tâm; triển khai đồng bộ, thống nhất về tiêu chuẩn, quy chuẩn, sự tương thích về công nghệ thông tin trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.

1.3. Tổ chức hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu theo mô hình tập trung để cập nhật, khai thác dữ liệu. Xây dựng các hệ thống phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Hệ thống phần mềm công nghệ thông tin được thiết kế linh hoạt, đáp ứng nhu cầu hiện tại và nâng cấp, cập nhật trong dài hạn. Tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo và học máy.

1.4. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị tạo điều kiện và thử nghiệm, thí điểm các ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyển đổi số; nghiên cứu, nêu yêu cầu để thúc đẩy chuyển đổi số trong mỗi cơ quan, đơn vị; trực tiếp chỉ đạo và triển khai mô hình, công nghệ mới; nâng cao trách nhiệm về bảo mật, an ninh, an toàn thông tin mạng.

1.5. Xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin bảo đảm về số lượng và nâng cao về chất lượng. Đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức tích cực, chủ động nâng cao kỹ năng, thay đổi phương thức thực hiện công việc trên môi trường số.

1.6. Nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm chuyển đổi số của quốc tế; xây dựng Quốc hội số từng bước hội nhập, tham gia vào các hoạt động của các tổ chức có liên quan đến nghị viện điện tử, nghị viện số.

2. Giải pháp

2.1. Tăng cường sự lãnh đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng và phát triển Quốc hội số.

2.2. Đẩy mạnh công tác truyền thông; quán triệt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số; xây dựng và ban hành văn bản, quy chế, quy định làm cơ sở cho việc xây dựng và phát triển Quốc hội số; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng công nghệ số cho đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức.

2.3. Tập trung chỉ đạo, quản lý, xây dựng và ban hành kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ theo từng giai đoạn, trong đó tập trung:

a) Ban hành Kiến trúc Quốc hội số phù hợp và tương thích với Khung kiến trúc Chính phủ số; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và với các cơ quan, các tổ chức khác trong hệ thống chính trị;

b) Rà soát, xây dựng, ban hành quy trình, thủ tục thống nhất, đồng bộ về gửi, nhận, xử lý văn bản trong các cơ quan trên môi trường số, tiến tới mô hình văn phòng không giấy. Xây dựng, ban hành bộ thủ tục hành chính của các cơ quan (bao gồm cả liên thông), bảo đảm thống nhất, đồng bộ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động;

c) Xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc xây dựng và phát triển Quốc hội số;

d) Phát triển các nền tảng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung cho các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội. Ứng dụng công nghệ số hiện đại như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, thực tế ảo, điện toán đám mây. Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ thông tin bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tương thích với công nghệ mới;

đ) Bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân; kết nối với các hệ thống hỗ trợ điều phối, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của các cơ quan nhà nước.

2.4. Lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực để đồng hành cùng Văn phòng Quốc hội trong việc xây dựng và phát triển Quốc hội số và thống nhất lựa chọn Tập đoàn Công nghiệp -Viễn thông Quân đội là đơn vị duy nhất hỗ trợ, đồng hành với Văn phòng Quốc hội trong việc xây dựng và phát triển Quốc hội số.

2.5. Phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án đầu tư theo trình tự, thủ tục dự án khẩn cấp; triển khai đồng thời và theo trình tự rút gọn đối với tất cả các thủ tục về đầu tư công, ngân sách; triển khai thực hiện theo phương thức “vừa thiết kế, vừa thi công”. Áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu phục vụ xây dựng và phát triển Quốc hội số. Các giải pháp này được áp dụng cho đến khi các dự án hoàn thành, quyết toán, bàn giao đưa vào sử dụng và tự động hết hiệu lực. Song song với quá trình thử nghiệm, thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin, tiến hành đánh giá kết quả, nếu đáp ứng yêu cầu, xác định công nghệ, kinh phí để triển khai thủ tục thuê dịch vụ công nghệ thông tin là chủ yếu hoặc thuê kết hợp với đầu tư hay đầu tư (tùy yêu cầu, tính chất nhiệm vụ). Đồng thời, thường xuyên giám sát đơn vị đồng hành, hỗ trợ xây dựng và phát triển Quốc hội số.

2.6. Bảo đảm các nguồn lực (nhân lực, cơ sở vật chất và tài chính) để triển khai. Huy động các nguồn lực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (cả nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước); tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác chuyển đổi số. Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và vốn ngân sách hằng năm, định mức chi phí đặc biệt riêng cho các dự án để phục vụ công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán (nếu cần thiết).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Ban Chỉ đạo chuyển đổi số:

a) Chỉ đạo Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động, tích cực phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết này có hiệu quả, bảo đảm chất lượng;

b) Chỉ đạo Văn phòng Quốc hội thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết này và quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, công khai, minh bạch, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, không trục lợi chính sách.

2. Giao Văn phòng Quốc hội:

a) Ban hành Kiến trúc Quốc hội số (sau khi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phù hợp và tương thích với Khung kiến trúc Chính phủ số làm cơ sở triển khai các dự án cụ thể theo từng giai đoạn. Làm chủ đầu tư triển khai các dự án công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số của Quốc hội;

b) Phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện các dự án đầu tư theo trình tự rút gọn đối với các thủ tục về đầu tư công, ngân sách; thực hiện theo phương thức “vừa thiết kế, vừa thi công”; áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu phục vụ xây dựng và phát triển Quốc hội số;

c) Phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội tiếp tục triển khai sử dụng thí điểm các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; đánh giá kết quả thử nghiệm, thí điểm và thường xuyên giám sát đơn vị đồng hành, hỗ trợ xây dựng và phát triển Quốc hội số;

d) Tham mưu hoặc ban hành văn bản, quy chế, quy định làm cơ sở cho việc xây dựng và phát triển Quốc hội số; nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc biệt để thực hiện Đề án Quốc hội số (nếu cần thiết);

đ) Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và vốn ngân sách hằng năm, định mức chi phí đặc biệt riêng cho các dự án để phục vụ công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán (nếu cần thiết).

3. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội tập trung nguồn lực nghiên cứu, xây dựng và phát triển các giải pháp công nghệ để cụ thể hóa công tác chuyển đổi số của Quốc hội trên cơ sở Kiến trúc Quốc hội số; chủ động nghiên cứu xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với Kiến trúc Quốc hội số; phối hợp với Văn phòng Quốc hội thực hiện các giải pháp chuyển đổi số ở Quốc hội.

4. Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng Quốc hội và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội xây dựng cơ sở dữ liệu, nền tảng số, các điều kiện bảo đảm để phục vụ chuyển đổi số của Quốc hội.

5. Kiểm toán Nhà nước chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội và các đơn vị liên quan kiểm toán quá trình đầu tư bảo đảm công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tránh lợi dụng chính sách để trục lợi.

6. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan triển khai các nhiệm vụ sau:

a) Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan bảo đảm an ninh mạng cho các hệ thống thông tin của Quốc hội; tạo điều kiện để Văn phòng Quốc hội kết nối, khai thác sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai hệ thống dự phòng Quốc hội số tại Trung tâm dữ liệu quốc gia;

b) Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin của Quốc hội;

c) Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định dự toán, cho ý kiến vào các dự án công nghệ thông tin, kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin của Văn phòng Quốc hội, bảo đảm an toàn thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trục lợi chính sách;

d) Các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội trong quá trình chuyển đổi số của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin của Quốc hội. Triển khai các giải pháp bảo mật thông tin.

7. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

8. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, vấn đề phát sinh hoặc cần sửa đổi, bổ sung, Văn phòng Quốc hội báo cáo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Trần Thanh Mẫn

Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam

Chiều 9.1, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam Hà Vĩ. Cùng dự có: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm, chúc Tết gia đình các cố Phó Chủ tịch Quốc hội
Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm, chúc Tết gia đình các cố Phó Chủ tịch Quốc hội

Sáng 9.1, tại Hà Nội, nhân dịp đầu năm mới 2025 và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã tới thăm, chúc Tết gia đình và thắp hương tưởng nhớ cố Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Đăng Khoa, cố Phó Chủ tịch Quốc hội Xuân Thủy, cố Phó Chủ tịch Quốc hội Nghiêm Xuân Yêm và cố Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu. 

Đoàn công tác của Quốc hội tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Hành
Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị APF tại Cần Thơ

Ngày 9.1, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) Nguyễn Đức Hải đã kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành APF và Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ về Nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại TP. Cần Thơ từ ngày 21 - 24.1.2025. 

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trao quà Tết tặng người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Phú Thọ
Thời sự Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trao quà Tết tặng người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Phú Thọ

Ngày 8.1, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đã dự chương trình “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025”, thăm hỏi và tặng quà đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Công ty TNHH JH Vina, Khu công nghiệp Phú Hà, Phú Thọ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 2 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 2 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 2 Nghị quyết: Nghị quyết số 63/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; Nghị quyết số 64/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết thúc hoạt động của Truyền hình Quốc hội Việt Nam để chuyển chức năng, nhiệm vụ từ Truyền hình Quốc hội Việt Nam về Đài Truyền hình Việt Nam. Hai Nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 7.1.2025 tại phiên họp thứ 41.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu
Thời sự Quốc hội

Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Chiều 7.1, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ công bố 2 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận Phiên họp thứ 41 của UBTVQH. Ảnh: Hồ Long
Chính trị

Tích cực, khẩn trương chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ Chín

Trưa 7.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 41, hoàn thành các nội dung chương trình đề ra sau một ngày rưỡi làm việc nghiêm túc, khẩn trương. Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, khối lượng công việc sắp tới là rất nặng nề và đề nghị các cơ quan, đơn vị trên tinh thần tích cực, khẩn trương triển khai các công việc trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Chính trị

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật

Sáng 7.1, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 41, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu - ảnh: Hồ Long
Thời sự Quốc hội

Bảo đảm phạm vi, mục tiêu của chuyên đề giám sát

Sáng 7.1, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 41, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND
Thời sự Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND

Tiếp tục Phiên họp thứ 41, sáng nay, 6.1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Chủ động triển khai những hoạt động mới, lần đầu tiên tổ chức tại Quốc hội
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Chủ động triển khai những hoạt động mới, lần đầu tiên tổ chức tại Quốc hội

Phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 41 sáng nay, 6.1, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động mọi công việc để trình các nội dung, triển khai những hoạt động mới, lần đầu tiên tổ chức tại Quốc hội theo tinh thần "đúng vai, thuộc bài". 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và các đại biểu trao tặng giải thưởng, danh hiệu cho các học sinh, sinh viên tiêu biểu
Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam

Tối 5.1, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam (9.1.1950 – 9.1.2025); tuyên dương danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện” cấp Trung ương và trao giải thưởng “Sao Tháng Giêng” năm 2024.