Theo Nghị quyết số 1343/NQ-UBTVQH15 về xây dựng và phát triển Quốc hội số giai đoạn 2024 - 2026, định hướng đến năm 2030, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại Quốc hội trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiên tiến, hiện đại là cấp thiết, nhằm: tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về phương thức hoạt động, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, giảm thời gian giải quyết công việc, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của Quốc hội trên môi trường số; bảo đảm tương thích với chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đáp ứng các yêu cầu, chuẩn mực chung về công nghệ thông tin và chuyển đổi số của quốc gia; đồng bộ hạ tầng số, các nền tảng công nghệ số, các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan trung ương và các cơ quan của Quốc hội.
Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát là: thực hiện chuyển đổi số của Quốc hội, xây dựng và phát triển Quốc hội số; đổi mới phương thức hoạt động, quy trình nghiệp vụ của Quốc hội dựa trên nền tảng dữ liệu và công nghệ số, bảo đảm liên thông, liên kết, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan trong hệ thống chính trị; chuyển toàn bộ hoạt động của các cơ quan từ môi trường truyền thống sang môi trường số góp phần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyên nghiệp, hiện đại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội; công tác chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Tạo môi trường, điều kiện tương tác giữa cử tri với đại biểu Quốc hội. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu tập trung, bảo đảm an toàn, an ninh, bảo mật và xác thực thông tin; phù hợp, đồng bộ với chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, xác định các mục tiêu cụ thể trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2026 là: hoàn thành tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin sang hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, có tính dự phòng cao, đáp ứng tiêu chuẩn; 100% đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức được trang bị chữ ký số. Kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia; kết nối, liên thông với các cơ quan có liên quan trong hệ thống chính trị, với nghị viện điện tử, nghị viện số của các nước và Liên minh Nghị viện Thế giới.
Cùng với đó, 100% quy trình, nghiệp vụ được thực hiện trên môi trường số. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn. 100% hồ sơ tài liệu không mật được số hóa và cập nhật vào cơ sở dữ liệu; hướng tới các tài liệu mật được số hóa và quản lý, sử dụng trên môi trường số. Xây dựng hệ thống phần mềm công nghệ thông tin hỗ trợ: Công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, công tác đại biểu, công tác dân nguyện; nền tảng truyền thông giữa Quốc hội với cử tri; công tác chỉ đạo, điều hành và công tác quản trị nội bộ phù hợp với Kiến trúc tổng thể Quốc hội số. Đầu tư xây dựng, thuê hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của Quốc hội với năng lực xử lý dữ liệu lớn; hạ tầng truyền thông bảo đảm tốc độ kết nối, ổn định, an toàn; cơ sở dữ liệu người dùng tập trung, hệ thống xác thực điện tử sử dụng chung, thống nhất trên cơ sở Kiến trúc Quốc hội số.
Giai đoạn từ năm 2027 đến năm 2030: tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu. Hoàn thành việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu với hệ thống bảo mật thông tin nhiều lớp đáp ứng yêu cầu giám sát liên tục; phát hiện, cảnh báo sớm và phản ứng nhanh với các cuộc tấn công mạng, đủ khả năng chống lại các mối đe dọa mạng với các giải pháp sử dụng công nghệ tiên tiến. Kết nối, báo cáo kịp thời thông tin giám sát an toàn, an ninh mạng về cơ quan chức năng và bảo đảm phát hiện sớm các nguy cơ đe dọa an toàn, an ninh mạng.
Nghị quyết cũng xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để xây dựng và phát triển Quốc hội số giai đoạn 2024 - 2026, định hướng đến năm 2030.
Tại Nghị quyết số 1344/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng làm Trưởng ban soạn thảo; Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng làm Phó Trưởng Ban soạn thảo và 14 thành viên.
Ban soạn thảo, Trưởng Ban soạn thảo, thành viên Ban soạn thảo thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 54 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 63/2020/QH14; bảo đảm tiến độ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 1339/NQ-UBTVQH15 ngày 28.12.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Thường trực Ủy ban Pháp luật là cơ quan thường trực Ban soạn thảo.
Tại Nghị quyết số 1345/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị phân công bà Trịnh Thị Tú Anh, Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng, đại biểu Quốc hội Khóa XV làm đại biểu Quốc hội chuyên trách Khóa XV tại Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, nhiệm kỳ 2021-2026. Trong thời gian làm đại biểu Quốc hội chuyên trách Khóa XV tỉnh Lâm Đồng, bà Trịnh Thị Tú Anh tiếp tục được hưởng phụ cấp chức vụ hệ số 0,7 và được hưởng thêm hệ số chênh lệch 0,35 cho bằng 1,05.
Theo Nghị quyết số 1350/NQ-UBTVQH15 về công tác quản lý và bảo đảm chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng của Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam sau khi kết thúc hoạt động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị: giao Văn phòng Quốc hội trực tiếp quản lý, phân công nhiệm vụ; đồng thời tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách tiền lương và các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với số cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng của Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam ở lại Văn phòng Quốc hội kể từ ngày các cơ quan này kết thúc hoạt động cho đến khi có quyết định mới của cấp có thẩm quyền. Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu, Viện Nghiên cứu lập pháp, Truyền hình Quốc hội Việt Nam và cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
+ Theo Nghị quyết số 1336/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn kết quả miễn nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Dương Huỳnh Khải kể từ ngày 11.12.2024 để nghỉ hưu.
Toàn văn các Nghị quyết xem tại: https://daibieunhandan.vn