Từ ngày 1.1.2025, cùng với Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe… chính thức có hiệu lực với nhiều mức xử phạt hành chính tăng cao nhiều lần so với mức phạt quy định trước đây.
Việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Phần lớn người dân đồng tình với việc tăng mức xử phạt để tăng tính răn đe với một số nhóm hành vi vi phạm với lỗi cố ý, lỗi nguy hiểm, là nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông.
“Lúc nghe các quy định về mức xử phạt tại Nghị định 168 của Chính phủ, rất nhiều người tỏ ra lo lắng, bởi các mức phạt cao hơn rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, tôi nghĩ mọi chính sách, quy định được ban hành ra đều hướng đến đảm bảo lợi ích, quyền lợi cũng như đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân. Phải xử lý nghiêm minh mới có tính răn đe được. Bản thân tôi làm nghề xe ôm nên thường xuyên tham gia giao thông, chính vì vậy càng phải nắm rõ luật quy định để chấp hành. Do đó, dù mức phạt có cao nhưng cũng giúp nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho người dân lên, đảm bảo giao thông an toàn, văn minh. Chúng tôi chỉ kiến nghị các cấp cần quan tâm xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, biển báo đảm bảo giúp người dân dễ dàng khi tham gia giao thông hơn”, ông Dương Đình Năng (làm nghề xe ôm tại thành phố Hà Tĩnh) chia sẻ.
Để giúp người dân kịp thời nắm rõ các quy định và nâng cao ý thức chấp hành, thời gian này lực lượng công an các cấp trên địa bàn Hà Tĩnh đã triển khai đồng loạt các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý vi phạm theo quy định.
Đặc biệt, với cách tuyên truyền trực quan, tại nhiều tuyến đường trọng điểm trên địa bàn Hà Tĩnh như trên các tuyến quốc lộ, nơi tập trung đông người, các nút giao thông lắp đặt đèn đỏ... lực lượng công an các cấp trên địa bàn Hà Tĩnh đã lắp đặt biển tuyên truyền về mức xử phạt với lỗi vi phạm vượt đèn đỏ và lỗi đi ngược chiều để tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành của người dân.
Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát Giao thông đã trực tiếp đến khu vực bến bãi xe, trực tiếp tuyên truyền nhắc nhở đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải, tài xế và những người làm việc liên quan đến dịch vụ vận tải, những quy định mới của Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ và quy định xử phạt mới của Nghị định 168 để các cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải nâng cao ý thức, nhắc nhở các tài xế cùng chấp hành nghiêm.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông Hà Tĩnh cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân công các tổ tuần tra kiểm soát trên các tuyến, chốt chặn kiểm tra, xử lý vi phạm tại các tuyến, giao lộ trọng điểm, tập trung chủ yếu ở các lỗi như vi phạm về nồng độ cồn; chạy quá tốc độ, chở quá khổ, quá tải, quá giới hạn; các hành vi nẹt pô, rú ga gây mất an ninh trật tự trên đường phố.
“Để các quy định nhanh chóng phát huy hiệu quả trong cuộc sống, đơn vị chúng tôi cũng đã tập trung tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội của Công an thành phố, phối hợp với các cơ quan báo chí để làm các chương trình, phóng sự. Tuyên truyền thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát của anh em, trước và những ngày đầu khi các quy định có hiệu lực. Đơn vị đã lắp 32 biển tuyên truyền về các mức xử phạt tại 8 nút giao có lưu lượng phương tiện đông trên địa bàn, đồng thời kết hợp với việc xử lý”, Trung tá Dương Thị Hồng Ngân, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an thành phố Hà Tĩnh cho biết.
Cũng theo Trung tá Dương Thị Hồng Ngân, sau hơn 2 tuần từ khi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, nhận thức chấp hành về luật giao thông của người dân trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực. Từ 1.1 đến 14.1, Công an thành phố đã xử lý 135 trường hợp vi phạm chủ yếu là nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, sai phần đường, chưa ghi nhận trường hợp nào vị phạm lỗi vượt đèn đỏ.
“Các quy định mới có hiệu lực từ 1.1.2025, trong đó có nhiều lỗi vi phạm mà người tham gia giao thông chưa biết hết. Vì vậy, chúng tôi tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức cho người dân”, Đội trưởng Đội CCảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an thành phố Hà Tĩnh cho biết thêm.
Theo thông tin từ Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh, dù có nhiều nỗ lực để kéo giảm, nhưng tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn gia tăng ở cả 3 tiêu chí. Nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông vẫn chủ yếu xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người dân còn chưa cao với các vi phạm như thiếu chú ý quan sát chiếm; đi sai làn đường, phần đường; vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ...
“Tốc độ gia tăng phương tiện bình quân hàng năm với ô tô tăng 14%, mô tô tăng 10%, xe máy điện tăng 30%, đang gây áp lực lớn đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong bối cảnh hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được so với sự gia tăng số lượng phương tiện, nhu cầu của người tham gia giao thông, việc chấp hành tốt các quy định, quy tắc giao thông, ứng xử văn hóa, văn minh khi tham gia giao thông đóng vai trò rất quan trọng, góp phần vào công tác kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông. Nghị định 168 của Chính phủ là một giải pháp quan trọng trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tạo cơ hội bứt phá xây dựng nền giao thông văn minh, hiện đại”, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh.