Từ đầu năm 2024 đến nay, tại tỉnh Nghệ An đã xảy ra 153 ổ dịch tả lợn châu Phi ở 20 huyện, thành phố, thị xã, buộc tiêu hủy 3.554 con lợn (tương đương khoảng 176 tấn). Trong đó, các địa phương có ổ dịch lớn như: huyện Thanh Chương với 27 ổ dịch, huyện Đô Lương với 18 ổ dịch, huyện Yên Thành, Anh Sơn với 14 ổ dịch. Hiện nay vẫn còn 15 ổ dịch chưa qua 21 ngày.
Việc để xảy ra nhiều ổ dịch lây lan là do một số địa phương chủ quan, lơ là và thiếu quyết liệt trong việc chỉ đạo, triển khai phòng chống dịch bệnh; công tác tiêu hủy lợn chết vì dịch chưa triệt để, kịp thời dẫn đến dịch bệnh dây dưa, kéo dài...
Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm phòng các loại vaccine cho đàn vật nuôi đạt thấp, không đáp ứng yêu cầu phòng bệnh. Việc tái đàn, tăng đàn và vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm soát chặt chẽ, triệt để theo quy định.
Để tăng cường công tác phòng, chống, kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có Chỉ thị yêu cầu Chủ tịch các huyện, thành phố, thị xã, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ. Cụ thể, các địa phương, đơn vị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Yêu cầu các địa phương huy động các nguồn lực để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh đúng theo quy định; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại; Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao...