“Mặt người là quang cảnh đẹp nhất”
Trong giới làm phim đông đúc, đạo diễn Nuri Bilge Ceylan có thể được xem là kẻ u buồn nhất. “Tôi không mấy lạc quan về cuộc đời. Tôi nhìn mọi thứ bằng con mắt thực tế, và càng thực tế càng thấy một màu bi quan”, ông trả lời phỏng vấn ký giả tờ Telegraph trong chuyến viếng thăm London.
Nuri Bilge Ceylan: “Làm phim như gửi lá thư vào bóng đêm” |
Cá tính con người ông thế nào thì cách làm phim cũng chẳng khác. Ai muốn tìm kiếm chút vui tươi trong bốn phim gần đây nhất của Ceylan là Xa xôi (Uzak), Miền khí hậu (Climates), Ba con khỉ (Three Monkeys) và Ngày xửa ngày xưa ở xứ Anatolia sẽ phải ra về trong thất vọng. Tuy nhiên, giữa những nhân vật là kẻ chủ mưu, đám ngoại tình, người trầm cảm và những kẻ liều mạng, vốn đóng vai trò là mảnh ghép tuyệt đẹp để tạo nên câu chuyện trong phim của Ceylan, người xem sẽ tìm thấy cái nhìn xuyên thấu vào trong bản chất phức tạp kỳ quặc của tâm hồn con người, điều chẳng mấy khi có dịp xuất hiện trên màn bạc.
Ngày xửa ngày xưa ở xứ Anatolia được kỳ vọng trở thành kiệt tác của vị đạo diễn 52 tuổi. Bộ phim có cốt truyện diễn biến chậm rãi như một quả bom nổ chậm, lấy bối cảnh dưới bầu trời đêm Thổ Nhĩ Kỳ. Phần lớn thời gian của bộ phim, người xem chiêm ngưỡng câu chuyện qua góc máy chĩa thẳng vào khuôn mặt gai góc khắc khổ của những nhân vật thuộc về một thị trấn hẻo lánh đặc trưng, đó là một cảnh sát, một bác sĩ, một ông công tố, một nghi phạm giết người và cuối cùng là một tay lái xe. Năm người đàn ông mệt mỏi thuộc năm thế giới khác nhau, lại có điểm chung là chuyến truy tìm một xác chết chôn giấu đâu đó trên khu thảo nguyên bao la vùng Anatolia.
“Tôi luôn cho rằng khuôn mặt con người là thứ cảnh quan đẹp nhất. Mặt người cho chúng ta biết mọi thứ. Những gì hiện hữu trên đó là điều duy nhất cho biết sự thật, bởi phần lớn thời gian con người ta hay nói dối. Tất cả chúng ta có xu hướng lừa dối người khác như một biện pháp tự bảo vệ”, Ceylan tâm sự, trong khi chậm rãi trườn mình xuống ghế, tay thì vuốt lên khuôn mặt lởm chởm râu ria với chiếc mục kỉnh, biểu hiện không thể chối cãi của vẻ thất vọng chán chường.
Áp phích phim Ngày xửa ngày xưa ở xứ Anatolia |
Phản bội, lừa dối, tha hóa, tuyệt vọng – là môtíp quen thuộc trong phim của Ceylan. Ông cho biết mình thích thú với những yếu tố này từ khi còn là một đứa trẻ. “Tôi đọc văn của Dostoevsky năm mười chín tuổi và đã bị ấn tượng sâu sắc”. Ông vừa nói vừa chầm chậm ngồi lún sâu thêm vào ghế, mắt dán lên trần nhà: “Con người là sinh vật tăm tối. Lúc nào bạn cũng cảm thấy có bóng tối trong tâm hồn, và bạn cảm thấy mình có thể làm điều ác bất cứ lúc nào”.
Điện thoại di động của vị đạo diễn bất ngờ reo vang, âm thanh mang tiết tấu vui vẻ của chiếc đàn chuông. “Vợ tôi đấy”, ông nói. Hai vợ chồng trò chuyện trong giây lát bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, khi đó trông Ceylan sinh động hơn, còn từ ngữ tuôn ra khỏi miệng ông có tốc độ nhanh gấp ba lần khi phải nói chuyện bằng tiếng Anh, thế rồi ông giảm dần nhịp độ để quay về thế giới thực với người ký giả. “Nghề làm phim giống như gửi một lá thư đến bóng đêm vậy, nó là một cách người ta xưng tội. Trong văn hóa của Thổ Nhĩ Kỳ, người ta không có các lễ nghi để xưng tội như cộng đồng Thiên Chúa giáo, cho nên chúng tôi phải tìm cho mình một cách khác”, ông vừa nói vừa cười.
Ceylan hiện đang sống tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, cùng vợ và đứa con bảy tuổi. Ông sinh ra và lớn lên ở vùng Anatolia thôn dã, song đã rời khỏi đó ngay khi có cơ hội. “Tôi không thích cảm giác sống ở thôn quê. Khi bị bao quanh bởi thế giới tự nhiên, tôi cảm thấy như mình đã chết”. Vị đạo diễn 52 tuổi từng học ngành cơ khí nhưng lại tốt nghiệp với một định hướng vô định về điều ông thật sự muốn làm trong cuộc đời. Sau đó ít lâu, ông theo nghiệp nhiếp ảnh, rồi đi du lịch vòng quanh thế giới, hy vọng tìm kiếm trả lời cho câu hỏi đó.
Có lúc nghề kiếm sống của Ceylan là làm nhân viên ca tối tại một nhà hàng Wimpy ở khu Brixton vào năm 1985. Ông vẫn nhớ những lần nhìn qua cửa sổ cảnh người biểu tình đốt xe hơi và hôi của các cửa hàng ven đường. Năm hai mươi sáu tuổi, thấy mình đã quan sát thiên hạ quá đủ, Ceylan bèn quay về Thổ Nhĩ Kỳ và hoàn tất nghĩa vụ quân sự tại đây. Trong thời gian này ông đọc rất nhiều: “Dostoevsky, Chekhov, Nietzsche… Trong các cuốn sách của họ tôi tìm thấy những tâm hồn giống tôi, con người giống tôi, cả vấn đề của họ cũng giống của tôi nốt… Đây là lúc tôi quyết định làm phim”.