Thời gian qua, tình hình khai thác khoáng sản, sát sông trái phép tại địa bàn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang diễn biến phức tạp. Các ngành, địa phương đã phối hợp, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, triển khai nhiều cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi không phép trên địa bàn.
Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng chức năng huyện Cái Bè đã phát hiện 39 vụ vận chuyển, tàng chữ cát không có hóa đơn, 3 vụ khai thác cát trái phép…
Mới đây, lực lượng Thuỷ đoàn 2, phối hợp Công an tỉnh Tiền Giang phát hiện, bắt giữ 2 phương tiện khai thác cát trái phép trên tuyến sông Tiền (đoạn qua thủy phận xã Hòa Hưng và xã Mỹ Lương). Thời điểm kiểm tra, thuyền viên trên thuyền không xuất trình được giấy tờ, bằng cấp chuyên môn. Tổ công tác đã lập biên bản, bàn giao Công an Tiền Giang xử lý.
Đáng chú ý, “cát tặc” thường xuyên xuất hiện tại địa bàn xã Hoà Hưng. Một số đối tượng "đầu nậu" thuê người thực hiện bơm hút cát trái phép ở lòng sông, sau đó sang mạn tại chỗ để vận chuyển đến các tỉnh giáp ranh bán cho các công trình xây dựng, người dân có nhu cầu…
Để thực hiện quá trình hút trộm cát trên sông Tiền, “đầu nậu” còn cho người theo dõi các tổ công tác, dùng xuồng cao tốc cảnh giới, báo tin cho các nhóm “cát tặc” tẩu tán tang vật, rời khỏi hiện trường…
Theo Đội Cảnh sát điều tra Tội phạm Kinh tế Công an huyện Cái Bè, địa bàn huyện có chiều dài trên tuyến sông Tiền hơn 28km, giáp ranh 2 tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long nên tình hình khai thác cát thời gian quan diễn biến phức tạp. Đội Cảnh sát kinh tế đã tham mưu Ban Chỉ huy Công an huyện triển khai nhiều kế hoạch xử lý các đối tượng khai thác cát, cũng như phối hợp với Phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh và đoàn liên ngành huyện.
Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cái Bè cho biết, đơn vị cũng thường xuyên phổ biến luật khoáng sản và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến cơ sở. Thông báo đường dây nóng, công khai số điện thoại để người dân phản ánh kịp thời các hoạt động khai thác cát trái phép và có trách nhiệm bảo vệ người tố giác theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến hoạt động ngăn chặn hoạt động khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản Quốc gia,UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo lực lượng chức năng từ cấp xã, thành lập “Tổ kiểm tra liên ngành”, liên tục tuần tra, kiểm soát các hoạt động khai thác trái phép trên tuyến sông thuộc địa bàn xã đảm trách.
Lãnh đạoUBND xã Hoà Hưng (huyện Cái Bè) khẳng định, Tổ kiểm tra liên ngành hoạt động rất hiệu quả vì thành phần tham dự gồm Uỷ ban xã, lực lượng công an, trưởng các ấp, cán bộ địa chính, môi trường.
Với quyết tâm dẹp nạn “cát tặc”, UBND huyện Cái Bè cũng mới ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyện, kinh doanh khoáng sản cát sông. Mục đích nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản cát lòng sông trên địa bàn huyện nhằm kéo giảm, từng bước giải quyết triệt để vi phạm…
Theo kế hoạch này, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn (hoặc cấp phó được giao phụ trác) sẽ phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND huyện về quản lý cát, sỏi lòng sông trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các Cục nghệp vụ Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, Cục Cảnh sát kinh tế, Thủy đoàn 2 - Cục Cảnh sát giao thông), UBND tỉnh, Công an tỉnh, UBND huyện, Công an huyện và các ngành chức năng, tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực xã Hòa Hưng và nhiều địa bàn khác tại tỉnh Tiền Giang cơ bản được kiểm soát.
Tuy nhiên, cần hơn nữa sự quyết tâm, quyết liệt, xuyên suốt của chính quyền các cấp để ngăn chặn kịp thời tình trạng "đánh cắp" tài nguyên khoáng sản Quốc gia trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, đặc biệt tại “điểm nóng” xã Hoà Hưng.
* Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các cơ quan liên quan trong vụ việc nêu trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.