Hơn 77.000 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng
Trình bày báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Vũ Hà cho biết, thành phố có khoảng 3 triệu thanh niên (từ 16 - 30 tuổi), chiếm khoảng 35% dân số. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TƯ và chương trình hành động của Thành ủy, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố về vị trí, vai trò thanh niên và công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế được nâng lên.
Công tác quy hoạch, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực được quan tâm, qua đó tạo nguồn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của các cấp, ngành thành phố.
Trong 15 năm, thành phố đã đào tạo, bồi dưỡng trên 2 triệu lượt cán bộ trẻ về lý luận chính trị, đào tạo sau đại học, bồi dưỡng tiêu chuẩn ngạch công chức, cán bộ quản lý... Cán bộ trẻ diện Ban Thường vụ các cấp ủy quản lý bảo đảm tỷ lệ đạt 10% trở lên.
Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ đạo tổ chức Đoàn các cấp tổ chức hơn 14.300 buổi học tập, quán triệt, thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, góp phần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống cho thanh niên Thủ đô. Trong 15 năm qua, toàn Đoàn đã giới thiệu cho Đảng hơn 105.000 đoàn viên ưu tú, trong đó có hơn 77.000 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng.
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu khẳng định, trong 15 năm qua, hoạt động của Đoàn Thanh niên các cấp có nhiều tiến bộ và đổi mới theo hướng bám sát nhiệm vụ chính trị của thành phố, địa phương, đơn vị.
Trong đó, Bí thư Thành đoàn Chu Hồng Minh cho rằng, để tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của thanh niên Thủ đô, các cấp bộ đoàn, cán bộ đoàn cần tích cực, chủ động, kiên trì tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng - lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên, định hướng cho công tác Đoàn, phong trào thanh, thiếu niên tại địa phương, đơn vị phù hợp với yêu cầu của giai đoạn hiện nay. Các cấp, ngành, từng địa phương, đơn vị phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu, rà soát, kiểm tra kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, các tham luận cũng cho rằng, một số cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của thanh niên và công tác thanh niên; việc xây dựng các chương trình, kế hoạch của địa phương, đơn vị nhằm thực hiện Nghị quyết chưa cụ thể, còn chung chung.
Ngoài ra, có tình trạng thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Chương trình hành động của Thành ủy.
Bám sát 5 quan điểm và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TƯ với 5 quan điểm và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Điều đó cho thấy sự nhìn nhận, đánh giá của Đảng ta về tình hình thanh niên và công tác thanh niên ở mỗi giai đoạn lịch sử luôn đúng và trúng, phù hợp với tình hình thực tiễn cả trong nước và thế giới.
Đối với thành phố Hà Nội, ngay sau khi Nghị quyết số 25-NQ/TƯ được ban hành, Thành ủy đã xây dựng Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 31.10.2008 và nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện; tổ chức quán triệt đến cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành thành phố.
Trong đó, thành phố đề ra những yêu cầu, chỉ tiêu cao hơn so với Nghị quyết số 25-NQ/TƯ đề ra để cả hệ thống chính trị thành phố triển khai thực hiện. Nhờ đó, nhận thức của các cấp ủy về công tác thanh niên được nâng lên; cho thấy trách nhiệm của tổ chức Đảng về công tác thanh niên; đồng thời đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể liên quan đến công tác thanh niên phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi địa phương, đơn vị.
Nhấn mạnh 5 quan điểm của Đảng về công tác thanh niên được thành phố Hà Nội cụ thể hóa, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong điểm lại những kết quả, chỉ tiêu nổi bật của thành phố sau 15 năm triển khai Nghị quyết số 25-NQ/TƯ, đặc biệt trong bối cảnh thành phố mở rộng địa giới hành chính từ ngày 1.8.2008.
Trên tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị cần xác định Hà Nội phải là đầu tàu có sức dẫn dắt và lan tỏa đối với sự phát triển của khu vực Đồng bằng sông Hồng, Bắc Bộ và cả nước.
Trong đó, Hà Nội phải phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, dựa trên nguồn lực văn hóa, con người. Đồng thời, tiếp tục phát huy các nguồn lực của Thủ đô về con người, văn hóa, khoa học công nghệ… qua đó góp phần dẫn dắt và tạo động lực cho sự phát triển của cả nước.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm thực chất và toàn diện đối với thanh niên, trong đó chú trọng quy hoạch các thiết chế văn hóa, thể thao… dành cho thanh niên.
Các cấp chính quyền cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về thanh niên trên cơ sở Luật Thanh niên, Chương trình phát triển về thanh niên của thành phố. Đối với các cấp đoàn, tiếp tục tham mưu với cấp ủy để tổ chức các phong trào thanh niên mang hơi thở thời đại, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.