Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện NCKH Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, PGS. TS Trần Việt Dũng - Chủ nhiệm đề tài - cho biết, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hà Giang gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển, không chỉ bắt nguồn từ thị trường, mà còn đến từ năng lực quản trị của đội ngũ quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Điều này đặt ra vấn đề cấp bách phải có những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực quản trị trong các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo ông Nguyễn Nhật Minh - thành viên nhóm nghiên cứu, kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang có lực lượng lao động trẻ, năng động, có trình độ chuyên môn và sẵn sàng học hỏi. Có khách hàng truyền thống ổn định, thương hiệu lâu năm và nhu cầu thị trường tăng cao (đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng). Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô còn nhỏ lẻ, thiếu nguồn lực tài chính và năng lực quản trị để mở rộng sản xuất kinh doanh, dẫn tới việc chưa đạt được các mục tiêu lợi nhuận đề ra; chuyển đổi số còn chậm và kém linh hoạt, áp dụng công nghệ hiện đại vào quản trị và vận hành chưa thật sự hiệu quả; Hạn chế trong tiếp cận thị trường mới, thiếu chiến lược marketing bài bản. Về năng lực quản lý tài chính, còn thiếu quy trình kiểm soát tài chính chặt chẽ, sử dụng công cụ kế toán hiện đại chưa phổ biến.
Thừa nhận thực tế này, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang Sèn Thăng Long cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh đa phần là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và rất nhỏ. Sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã dừng hoạt động, nhưng không báo cáo, không làm thủ tục giải thể điều này dẫn đến việc Sở cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thống kê và có phương án hỗ trợ. Trong năm 2024 chỉ có khoảng 25% số doanh nghiệp trực tiếp làm việc với Sở để kết nối và triển khai các dự án.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hà Giang Hồ Như Thiêm nhấn mạnh, đối với các hợp tác xã, liên kết giữa HTX và thành viên bền vững, giúp hỗ trợ sản xuất và tăng thu nhập, năng suất ngày càng được nâng cao nhờ áp dụng kỹ thuật tiên tiến, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình khác. Tuy vậy, hiệu quả quản trị của ban điều hành chưa cao; gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, hạn chế đầu tư vào cơ sở hạ tầng và máy móc. Còn hạn chế trong mở rộng thị trường, đặc biệt ngoài tỉnh và quốc tế cũng như thiếu các cơ chế rõ ràng để tận dụng lợi thế từ các chính sách hiện hành.

Trong nhiều năm gần đây, các ngân hàng trên địa bàn liên tục đưa ra các gói chính sách tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (chương trình cho vay ưu đãi doanh nghiệp nhỏ và vừa 2024, Cho vay ưu đãi đầu tư 2024, Cho vay ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu…) với các mức lãi suất tương đối thấp từ 4/%-6%/năm.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp, HTX tỉnh lại khó có thể tiếp cận với các nguồn tín dụng của Ngân hàng, chủ yếu nguyên nhân đến từ các doanh nghiệp, hợp tác xã như: báo cáo tài chính không đầy đủ, không chính xác, kế hoạch kinh doanh không rõ ràng, đội ngũ quản trị chưa đầy đủ, thiếu tài sản đảm bảo.
Điều này đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ quản lý doanh nghiệp, HTX cần nhận thức đầy đủ sâu sắc về vai trò, nguyên tắc quản trị hoạt động của HTX. Chủ động học tập, nâng cao kiến thức, kĩ năng, năng lực quản trị doanh nghiệp, chủ động cập nhật, ứng dụng công nghệ vào quản trị hoạt động HTX; xây dựng và ban hành quy chế nội bộ, cơ cấu quản lý HTX, tạo ra cơ chế quản trị thống nhất, vững mạnh.
Hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các chương trình nâng cao năng lực cho chủ các doanh nghiệp, phối hợp hỗ trợ các gói công nghệ cho doanh nghiệp (trên 2 tỷ/năm) bao gồm hỗ trợ trang thiết bị, phần mềm, các gói ưu đãi chuyển đổi số…. Đồng thời, xây dựng dự án phần mềm hỗ trợ các doanh nghiệp ở tỉnh, bao gồm: hỗ trợ tìm hiểu các mô hình quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ bồi dưỡng năng lực quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng kế hoạch chuyển đổi số tại doanh nghiệp.
PGS. TS Trần Việt Dũng cho biết, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề tài nhằm nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động tại các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hà Giang trong thời gian tới.