Phát huy văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, đa giá trị
Tỉnh đang nỗ lực thực hiện hiệu quả chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị. Trong đó, tập trung phát triển du lịch cộng đồng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, góp phần phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; giá trị các di tích văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh; góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của người dân.
Đến nay, nhiều thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh đã và đang được đầu tư, đưa vào sử dụng và trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trở thành điểm du lịch hấp dẫn như: Trung tâm Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao (xã Bằng Cả, TP. Hạ Long), khu văn hóa, thể thao dân tộc Tày (huyện Tiên Yên) và làng người Dao (thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP. Móng Cái).
Việc bảo tồn và phát triển văn hóa mang bản sắc Quảng Ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội đã được thực hiện quyết liệt, bài bản, đạt được kết quả quan trọng. Tỉnh đã tổ chức nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học và xếp hạng 25 di tích gồm di tích quốc gia đặc biệt, quốc gia, tỉnh. Đặc biệt, đã tổng rà soát, phát hiện, củng cố, xây dựng hồ sơ, thuyết trình được Thủ tướng Chính phủ công nhận 13 bảo vật quốc gia. Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức kiểm kê lập 28 hồ sơ di tích bổ sung vào danh mục di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh.
Bảo tồn giá trị văn hóa
Tỉnh Quảng Ninh rất chú trọng triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong đó đặc biệt quan tâm phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa bền vững, gắn với thực hiện xây dựng NTM.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cấp xã, thôn trên địa bàn toàn tỉnh; đổi mới các nội dung chương trình hoạt động gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu của người dân; phát huy chủ thể người dân trong việc tham gia đóng góp xây dựng, quản lý, tổ chức các mô hình sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng.
Để cụ thể hóa những mục tiêu của nghị quyết của Trung ương và tỉnh, các địa phương đã tích cực thực hiện khảo cứu, sưu tầm, xây dựng các đề án nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số từ văn học, văn nghệ, trò chơi dân gian đến phong tục tập quán, lễ hội truyền thống.
Trong đó, các địa phương có phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, hằng năm đều tổ chức các tuần văn hóa - thể thao, văn hóa - du lịch với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc vừa tạo sân chơi, giao lưu văn hóa lành mạnh của Nhân dân vừa góp phần giới thiệu nét đẹp văn hóa tới du khách.
Là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, huyện Ba Chẽ đã sớm xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn gắn với phát triển du lịch cộng đồng”. Huyện đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư, xây dựng một số hạng mục: miếu thờ Bàn Vương; nhà sinh hoạt cộng đồng người Dao và thực hiện việc bài trí, trưng bày các tổ hợp ảnh với các đặc trưng về lao động sản xuất, phong tục, lễ hội, trang phục… dựng các tổ hợp tượng tái hiện nghi lễ cấp sắc của nhánh Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán; tổ hợp tượng tái hiện gian bếp truyền thống của người Dao.
Có thể khẳng định, những nét văn hóa sinh hoạt, lao động truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh được quan tâm bảo tồn, với định hướng trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa các vùng miền, đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng NTM.
(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương)