Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; thể chế hóa quan điểm chỉ đạo: “Xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu đến năm 2030 xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, thể chế hóa chỉ đạo “Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng, hậu cần, kỹ thuật công an nhân dân và pháp luật có liên quan, nhất là Luật Công an nhân dân (sửa đổi)” tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16.3.2022 của Bộ Chính trị.

Nhiều ý kiến cho rằng, các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật cơ bản đã khắc phục một số khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn trong quá trình thi hành Luật Công an nhân dân năm 2018; bảo đảm các yêu cầu quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Theo ĐBQH Lê Nhật Thành (Hà Nội), việc sửa đổi, bổ sung lần này sẽ có tác động tích cực, trong đó, việc nâng hạn tuổi phục vụ của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân sẽ góp phần giúp cân đối quỹ bảo hiểm xã hội nói chung khi kinh phí cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội tăng lên.
Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Công an nhân dân là: Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 30 về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan công nhân công an. Theo đó, trên cơ sở quy định về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong Bộ luật Lao động năm 2019, gắn với đặc thù của lực lượng Công an nhân dân, cơ quan soạn thảo đề nghị tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an (trừ nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi; nữ sĩ quan cấp Tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành; nữ công nhân công an tăng 5 tuổi).
Nhiều ý kiến nhất trí với nội dung sửa đổi, bổ sung hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, cũng như các mức tăng hạn tuổi như dự thảo Luật. Theo ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai), quy định như vậy vừa bảo đảm phù hợp với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019, vừa phù hợp với thực tiễn chiến đấu, công tác của lực lượng Công an nhân dân.
Đặc biệt, theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, đối với cán bộ trực tiếp chiến đấu, đòi hỏi phải có sức khỏe tốt để tác chiến được trong mọi môi trường, điều kiện, hoàn cảnh thì cần tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất nhưng vẫn tiếp tục áp dụng thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường và cơ bản tương đương với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại.
Cùng quan điểm này, đại biểu Lê Nhật Thành cho rằng, dự kiến kinh phí thực hiện quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an sẽ nhỏ hơn so với kinh phí phải chi trả cho cán bộ, chiến sĩ được tuyển dụng mới để thay thế, gồm: Lương cho cán bộ, chiến sĩ được tuyển dụng mới; lương hưu cho số cán bộ nghỉ hưu; chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho cán mới tuyển dụng. Do đó, nội dung này sẽ không làm tăng chi phí cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, quy định như vậy sẽ tạo động lực cũng như trách nhiệm để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng công an nhân dân; qua đó, thúc đẩy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nỗ lực công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao.