Tăng cường dạy tiếng Việt
Để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), việc tăng cường tiếng Việt là một trong những giải pháp chủ đạo được ngành giáo dục triển khai.
Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Đắk Nông tổ chức nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về quản lý, phương pháp, kỹ năng tăng cường tiếng Việt phù hợp với đối tượng học sinh ĐBDTTS. Bên cạnh đó, các trường cũng tăng cường tổ chức hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ tiếng Việt, thi để tăng cường tiếng Việt cho học sinh ĐBDTTS.
Đặc biệt, hiện nay các địa phương đang triển khai “Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh mầm non ĐBDTTS, giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Việc dạy tiếng Việt cho trẻ được thực hiện bài bàn, mang lại hiệu quả cao, bảo đảm chất lượng đầu vào cấp tiểu học.
Bà Đinh Thị Hằng, Phó trưởng Phòng GĐ-ĐT huyện Đắk Glong cho biết, với đặc thù là một trong những địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số lớn, nhiều thành phần dân tộc nên đối với bậc mầm non, ngành giáo dục đã tích cực triển khai dạy tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng ĐBDTTS.
Hiện nay, phần lớn trẻ 5 tuổi của huyện Đắk Glong đã được ăn bán trú ở trường, học 2 buổi/ngày. Thông qua hình thức ăn bán trú, học 2 buổi/ngày, hầu hết trẻ 5 tuổi có khả năng sử dụng tiếng Việt lưu loát, rõ ràng. Việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh ĐBDTTS bậc mầm non và tiểu học, góp phần giảm thiểu tỷ lệ học sinh bỏ học vùng ĐBDTTS hàng năm.
“Chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số đã được nâng lên và có nhiều chuyển biến tích cực. Năm học 2021-2022, tỷ lệ huy động học sinh dân tộc thiểu số trong độ tuổi ra lớp của huyện Đắk Glong đạt gần 98%; môi trường học tập ở trường phổ thông dân tộc bán trú đã giúp học sinh dân tộc thiểu số tiếp cận nhanh hơn với tiếng Việt; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học cấp tiểu học đạt trên 91%”, bà Hằng thông tin.
Nỗ lực ngăn dòng bỏ học
Thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, trong năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 629/212.486 học sinh bỏ học, chiếm tỷ lệ 0,44%; trong đó, tiểu học 165 học sinh; THCS 387 học sinh; THPT 77 học sinh.
Số học sinh đồng bào dân tộc thiểu số bỏ học là 438 học sinh, chiếm tỷ lệ 0,87%. Tỷ lệ học sinh bỏ học giữa các huyện, thành phố năm học 2021-2022 không đồng đều, trong đó huyện Đắk Glong là địa phương có tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất với 168 học sinh.
Tình trạng học sinh bỏ học xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, bản thân học sinh thiếu động cơ, ý thức học tập, dẫn tới kết quả học yếu, kém, nên mặc cảm, tự ti với bạn, ngại đi học, chán học.
Riêng tỷ lệ học sinh cấp THCS bỏ học nhiều (chiếm 0,84%) do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi này có nhiều thay đổi, nhận thức chưa đầy đủ, gia đình không còn quan tâm sát sao như học sinh ở cấp Tiểu học.
Bên cạnh đó, hoàn cảnh gia đình khó khăn, phụ huynh muốn con nghỉ học lao động phụ giúp gia đình; nhà xa trường; ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 kéo dài... Ngoài ra, chương trình học ở một số môn học nặng nề, giáo viên còn thiếu kinh nghiệm trong công tác dạy học và giáo dục, không tạo được cảm hứng học ở học sinh…
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng là mục tiêu quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, nâng cao trình độ dân trí.
Do đó, để hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học, ngay từ đầu năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông đã quán triệt tất cả các cơ sở giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, học sinh về ý nghĩa, động cơ, trách nhiệm của việc học đối với lập thân, lập nghiệp tiếp tục tăng cường.
Đặc biệt, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, việc nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao hiệu quả các lớp xóa mù chữ được xem là một giải pháp quan trọng, góp phần kéo giảm tỷ lệ học sinh có học lực yếu, kém bỏ học. Đồng thời, ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan chức năng, địa phương thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số.
“Các cơ sở giáo dục phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương tăng cường kiểm tra, duy trì sĩ số học sinh. Ngành tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh kiên cố hóa trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Bên cạnh đó, thời gian tới, ngành tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục vùng ĐBDTTS, trọng tâm tăng cường tiếng Việt cho học sinh ĐBDTTS ở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học để hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng”- lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông khái quát một số giải pháp.