Nhiều xu hướng du lịch mới
Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 đã đánh dấu sự thay đổi đáng kể đối với mọi người, và trên hết là đối với du lịch, một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2020 là năm mà du lịch quốc tế gần như đi vào bế tắc, và các lựa chọn thay thế duy nhất là du lịch nội địa và địa phương. Năm 2021 đã chứng kiến một số cải thiện, nhưng chỉ ở một khía cạnh rất nhỏ khi các hạn chế vẫn được áp dụng và nhiều quốc gia đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần biên giới.
Rất khó để đưa ra ước tính cho năm 2022 vì chưa biết đại dịch sẽ diễn biến ra sao. Tuy nhiên, ông Nguyễn Châu Á nhận định các xu hướng du lịch mới có khả năng xuất hiện trong năm tới. Trong đó, du lịch quốc tế với các hạn chế vẫn được duy trì bởi cả điểm đến và hãng hàng không nhằm bảo đảm an toàn 100% cho người tiêu dùng. Du lịch có ý thức sẽ được khởi động, đi du lịch đến các điểm đến xa hơn, nhưng với thời gian lưu trú kéo dài, vì người tiêu dùng muốn tận hưởng càng nhiều càng tốt mỗi nơi họ đến thăm. Bên cạnh đó, du lịch xanh được quan tâm, khi biến đổi khí hậu đang diễn ra và ngày càng gia tăng, người tiêu dùng bây giờ có trách nhiệm hơn nhiều và nhận thức được thực tế họ sống hàng ngày.
Một xu hướng mới là “Ed-Ventures" (loại hình du lịch mạo hiểm kết hợp đào tạo kỹ năng). Đó là việc kết hợp giáo dục và các kỳ nghỉ cho những thành viên nhỏ tuổi nhất trong gia đình. Trong khi người lớn có thể cần làm việc từ xa hoặc tham gia các cuộc họp, con cái của họ có thể tham gia hội thảo và học tập một cách vui tươi.
Ông Nguyễn Châu Á cũng chỉ rõ, các hoạt động du lịch có thể được khách quốc tế yêu thích gồm: Các hoạt động du lịch ngoài trời; kỳ nghỉ dài tại một địa điểm; du lịch theo nhóm nhỏ và tour du lịch riêng; khách có xu hướng chọn những khách sạn nhỏ bên cạnh những khách sạn lớn; du lịch chú trọng vào sức khỏe; các loại sản phẩm du lịch bền vững; xu hướng sử dụng công nghệ để sắp xếp cho các chuyến du lịch ở những vùng xa xôi một cách dễ dàng.
Nhiều lợi thế, không ít khó khăn
Với những xu hướng du lịch mới, ông Nguyễn Châu Á nhận định, mặc dù Việt Nam có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch, bao gồm tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, tuy nhiên với những hạn chế hiện có sẽ khiến tốc độ phục hồi và phát triển của du lịch Việt Nam khó bắt kịp các nước láng giềng.
Một trong những hạn chế có thể là thách thức lớn cho du lịch Việt Nam trong quá trình phục hồi cũng như phát triển thời kỳ hậu Covid được ông Nguyễn Châu Á chỉ ra là: Việc vận dụng những tài nguyên để tạo ra những sản phẩm du lịch của Việt Nam chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới. Các loại hình sản phẩm du lịch thể thao ngoài trời, trên không, dưới nước chuyên nghiệp chưa có khung pháp lý rõ ràng hay khuyến khích phát triển cũng là rào cản để Việt Nam có thêm những sản phẩm độc đáo, đa dạng hơn so với những sản phẩm du lịch truyền thống tồn tại nhiều năm nay.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Châu Á phân tích, mô hình kinh doanh du lịch inbound, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp du lịch Việt Nam hoạt động theo mô hình B2B (Business to Business - công ty du lịch ở Việt Nam sẽ xây dựng sản phẩm và chào bán cho các đại lý du lịch khắp thế giới, đại lý bán tour) và phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác nước ngoài về chiến lược marketing cũng như giới thiệu điểm đến hay sản phẩm. Mô hình kinh doanh du lịch inbound Việt Nam cần tăng tỷ lệ B2C (Business to Consumers - công ty có sản phẩm du lịch và tự có chiến lược quảng bá tiếp thị và tiếp cận thị trường khách tiềm năng của mình) lên khoảng 50% thị phần nhằm tránh phụ thuộc quá lớn vào thị phần B2B đồng thời tăng cường khâu quảng bá trực tiếp, tiếp cận đến đối tượng khách du lịch để giới thiệu và mời gọi họ đến Việt Nam.
Về quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới, ông Nguyễn Châu Á thấy rằng, nguồn ngân sách rất hạn hẹp cho hoạt động quảng bá quốc tế của ngành du lịch Việt Nam cũng là thách thức rất lớn cho Việt Nam trong việc cạnh tranh với các nước trong khu vực. Việc duy trì mô hình xúc tiến (tham gia hội chợ, tổ chức roadshow...) hiện nay chỉ tiếp cận được chủ yếu là các đại lý bán vé máy bay, các công ty, đại lý du lịch tại các thị trường mục tiêu. Trong khi việc quảng bá tạo nhận thức về điểm đến cho người dân ở thị trường mục tiêu thì đang rất hạn chế dẫn đến số người biết về một đất nước Việt Nam năng động, tươi đẹp là rất hạn chế.
Tuy nhiên, du lịch Việt Nam sắp tới cũng có những thuận lợi về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa. Ông Nguyễn Châu Á cho rằng: Đại dịch Covid-19 có thể kéo dài hơn 2 năm và rất nhiều người đã phải cách ly, ngồi trong nhà một thời gian dài, do đó nhu cầu được đi du lịch, nhất là trải nghiệm thiên nhiên sẽ rất lớn. Với lợi thế có tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam có thể kết hợp vừa bảo tồn và khai thác các sản phẩm du lịch liên quan đến thiên nhiên sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận du khách thế giới theo một khía cạnh mới. Bên cạnh đó Việt Nam có những giá trị văn hóa đặc sắc có thể giới thiệu đến khách du lịch bằng các sản phẩm du lịch độc đáo mới mang đậm chất Việt Nam.
Ngoài ra, những năm gần đây Việt Nam có nhiều tập đoàn trong nước và quốc tế đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Ông Nguyễn Châu Á nhận thấy, đây cũng là cơ hội để ngành du lịch vận dụng sức mạnh tài chính, sự chuyên nghiệp của các tập đoàn lớn để cùng nhau giới thiệu một Việt Nam mới đến với nhiều du khách tại các thị trường trọng điểm trên thế giới thay vì phải thông qua các đại lý hay đối tác nước ngoài như hiện nay.
Mặt khác, sau đại dịch Covid-19 có nhiều loại hình du lịch truyền thống biến mất và nhưởng chỗ cho các loại hình du lịch mới thay thế. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam cũng như các nước khác nắm bắt được nhu cầu và thị hiếu để tạo ra các sản phẩm du lịch mới, và có cách tiếp cận mới để thu hút du khách đến Việt Nam.