Tác động của con người và môi trường ở hạ lưu sông Me Kong

- Thứ Ba, 19/10/2021, 14:17 - Bản đầy đủ
Ngày 19.10, Ủy hội Sông Me Kong Quốc tế (MRC) công bố hai báo cáo cho thấy đánh bắt cá tiếp tục là sinh kế quan trọng ở Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Nhưng việc đánh bắt cá quá mức và suy thoái môi trường sống do tăng trưởng dân số nhanh, hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng cùng với biến đổi khí hậu đang tạo sức ép lên nghề cá ở hạ lưu sông Me Kong, trong khi những thay đổi về hệ sinh thái thủy sinh của lưu vực đang tác động đến các điều kiện xã hội.

Tăng cường hợp tác cấp khu vực

Hai báo cáo với tiêu đề “Hiện trạng và xu hướng về độ phong phú và đa dạng của các loài cá ở hạ lưu sông Me Kong giai đoạn 2007 - 2018” (FADM) và “Giám sát tác động xã hội và đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương 2018” (SIMVA) cho thấy các hộ gia đình tiếp tục sống dựa vào tài nguyên nước và các tài nguyên này đang ngày càng chịu nhiều áp lực.

TS. An Pich Hatda, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký MRC cho biết: “Những nghiên cứu này nhấn mạnh thêm vai trò quan trọng của việc phát triển có trách nhiệm, cân bằng lợi ích quốc gia và lợi ích khu vực, cũng như tăng cường hợp tác cấp khu vực để bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của sông Me Kong”.

Cả hai báo cáo đều khuyến nghị cần bảo vệ trữ lượng đàn cá để bảo đảm nguồn cung lương thực cho hàng triệu người sống ở hạ lưu sông Me Kong, và bảo vệ để thu nhập hộ gia đình không bị giảm thêm. Theo báo cáo SIMVA 2018, 35% trong số 2.800 hộ gia đình được khảo sát cho biết thu nhập của họ thấp hơn, 32% nói thu nhập của họ không đổi, và chỉ 26% cho biết thu nhập của họ đã tăng nhẹ, trong khi 6% cho biết thu nhập của họ tăng đáng kể so với 2013.

Những thay đổi bất lợi về tài nguyên nước, gồm cả trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cá, động vật và thực vật thủy sinh khác, đang ảnh hưởng đến thu nhập, với khoảng 22% hộ gia đình cho biết họ đã chịu tác động của vấn đề này.

Nhưng các sinh kế liên quan đến tài nguyên khác (ngoài tài nguyên nước) như việc làm có thu nhập, kinh doanh hoặc thương mại ngày càng đóng vai trò quan trọng và có thể làm giảm tình trạng dễ bị tổn thương trước những thay đổi về tài nguyên nước sông Me Kong. Hai báo cáo này cảnh báo rằng vẫn cần cải thiện đáng kể chính sách của các chính phủ để có thể bảo vệ các cộng đồng khỏi tình trạng dễ bị tổn thương liên quan đến nước và khí hậu.

Chung tay phát triển và quản lý thủy sản

Đánh bắt cá bằng bẫy lee - công cụ đánh bắt hiện đã bị cấm ở Lào - Ảnh: MRC

Báo cáo FADM dài 138 trang là nghiên cứu đầu tiên có quy mô lớn như vậy để xem xét các thay đổi theo cả không gian và thời gian về độ phong phú và đa dạng của các loài cá ở hạ lưu sông Me Kong qua việc sử dụng dữ liệu giám sát nghề cá dài hạn của MRC. Nghiên cứu cho thấy các cộng đồng ngư dân ở hầu hết các vùng của hạ lưu sông Me Kong đều chịu ảnh hưởng. Sản lượng đánh bắt giảm ở 2/4 trạm quan trắc được khảo sát ở Lào và giảm ở 3/5 trạm được khảo sát ở Việt Nam.

Nghiên cứu đề xuất chính phủ của bốn quốc gia thành viên MRC thực thi các luật thủy sản quốc gia và chung tay thực hiện Chiến lược phát triển và quản lý thủy sản trong lưu vực sông Me Kong đã phê duyệt để giúp phục hồi các cộng đồng ngư dân đang gặp nhiều khó khăn. Nghiên cứu còn đề xuất tích hợp các kế hoạch quản lý sông để giải quyết rủi ro từ việc gia tăng phát triển thủy điện.

Công tác quan trắc được các ngư dân tiến hành hàng ngày trong giai đoạn từ năm 2007 - 2018 tại 38 trạm dọc theo dòng chính sông Me Kong và các sông nhánh lớn. Nhưng chỉ có 25 điểm trạm được chọn tham gia nghiên cứu này vì lý do dữ liệu không đầy đủ. Trong số 25 trạm quan trắc này, 11 trạm ở Campuchia, 4 trạm ở Lào, 5 trạm ở Thái Lan và 5 trạm ở Việt Nam.

Tổn thất do lũ lụt ngày càng trầm trọng

Báo cáo SIMVA dài 168 trang thu thập dữ liệu và thông tin mới để có được hiểu biết sâu sắc về điều kiện xã hội, tình trạng dễ bị tổn thương và phúc lợi của các cộng đồng dọc theo dòng chính sông Me Kong. Một trong số những phát hiện đáng chú ý khác của nghiên cứu này là tỷ lệ nguy cơ xảy ra lũ lụt gia tăng do biến đổi khí hậu và các yếu tố khác, gồm cả các hoạt động phát triển hạ tầng nước.

Thiệt hại và tổn thất do lũ lụt ở các nước hạ lưu sông Me Kong ngày càng trầm trọng - Ảnh MRC

Trong thời gian từ 2015 - 2018, khoảng 62% làng được chọn mẫu để tham gia nghiên cứu này đã bị thiệt hại và tổn thất do lũ lụt. Tỷ lệ này cao nhất ở Thái Lan: 80%, và thấp nhất ở Việt Nam: 42%. 25% số làng này cho biết tác động của lũ lụt trở nên nghiêm trọng hơn nhiều, và 25% số làng nói rằng những tác động này trong 12 tháng qua còn trầm trọng hơn so với những năm trước. So với cuộc khảo sát năm 2014, thiệt hại và tổn thất do các cú sốc khí hậu, đặc biệt là lũ lụt, đã tăng lên đáng kể.

Khảo sát SIMVA 2018 còn cho thấy tỷ lệ phần trăm hộ gia đình tham gia đánh bắt cá đã giảm trên toàn khu vực, từ 50% vào năm 2014 xuống còn xấp xỉ 37% vào năm 2018. Điều này một phần do sản lượng đánh bắt cá giảm, và một phần do gia tăng các cơ hội kinh tế khác và đa dạng hóa sinh kế.

Bất bình đẳng giới cũng là một yếu tố quan trọng góp phần gây ra tình trạng dễ bị tổn thương trong xã hội. Các vai trò giới truyền thống đang phổ biến ở nhiều khu vực trong hành lang hạ lưu sông Me Kong, với sự chênh lệch lớn về việc làm và tiền lương giữa phụ nữ và nam giới. Các hộ do phụ nữ làm chủ hộ đặc biệt bị ảnh hưởng vì đây đồng thời cũng là các hộ nuôi con đơn thân. Kết quả khảo sát cho thấy 19% hộ có phụ nữ làm chủ hộ và 81% hộ có nam giới làm chủ hộ. CHDCND Lào và Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ làm chủ hộ thấp nhất, ở mức 13%, trong khi tỷ lệ này của Thái Lan là cao nhất, ở mức 27%.

Bên cạnh các sáng kiến ​​FDMA và SIMVA, các hoạt động giám sát kinh tế - xã hội quan trọng khác do MRC phối hợp với các quốc gia thành viên thực hiện gồm Báo cáo Hiện trạng lưu vực 2018, đây là hoạt động quy mô lớn đầu tiên để tổng hợp thông tin kinh tế - xã hội toàn diện trong lưu vực, gồm cả ở thượng lưu sông Me Kong.

CTV

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP