Lộ trình khập khiễng
Về nguyên tắc thì “bắt buộc” giáo dục đến bậc học nào thì “miễn học phí” ở bậc học đó. Vấn đề là làm sao thực hiện song hành “học bắt buộc” và miễn học phí cũng “bắt buộc”. Và đây cũng là căn cứ xây dựng lộ trình miễn, giảm học phí. Tuy nhiên, cho đến nay, việc thực hiện miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở (THCS) như quy định Luật Giáo dục 2019 vẫn chưa có lộ trình rõ ràng và thời điểm dứt khoát thực hiện.
Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực đào tạo ban hành 27.8.2021 thì khung học phí (mức sàn - mức trần) đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên như sau:
Vùng | Năm học 2022 - 2023 | |||
Mầm non | Tiểu học | Trung học cơ sở | Trung học phổ thông | |
Thành thị | Từ 300 đến 540 | Từ 300 đến 540 | Từ 300 đến 650 | Từ 300 đến 650 |
Nông thôn | Từ 100 đến 220 | Từ 100 đến 220 | Từ 100 đến 270 | Từ 200 đến 330 |
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi | Từ 50 đến 110 | Từ 50 đến 110 | Từ 50 đến 170 | Từ 100 đến 220 |
Như vậy năm học 2022- 2023, mức học phí học sinh THCS theo vùng thấp nhất là 50.000đ/học sinh/ tháng và cao nhất 650.000 đ/học sinh/tháng. Điểm đáng lưu ý là từ năm học 2023 - 2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm. Như vậy lộ trình hiện nay được đặt vào tình huống chỉ có tăng chưa có giảm. Điều này tạo ra nghịch lý cho lộ trình đi đến miễn học phí cho học sinh THCS.
Nhìn vào thực tiễn, thành phố Hải Phòng là địa phương đầu tiên ban hành chính sách miễn học phí từ năm học 2020- 2021 cho học sinh THCS và phấn đấu tiến tới miễn học phí cho học sinh trung học phổ thông từ nguồn ngân sách thành phố. Bên cạnh đó, nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm học 2021- 2022, hàng chục địa phương thực hiện hỗ trợ miễn 100% hoặc 50% học phí cho bậc học mầm non và THCS như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu… Đây là bước đi đầy nỗ lực của từng địa phương chăm lo cho giáo dục bằng nguồn lực của chính mình.
Có một nguyên tắc rất quan trọng khi chúng ta thực hiện “học sinh THCS được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định” đó là nguyên tắc Hiến định. Ngay từ Hiến pháp 1946, Điều 15 ghi rõ “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí”. Hiến pháp 1959, Điều 33 khẳng định: “…Nhà nước từng bước thực hiện nền giáo dục cưỡng bách…”. Hiến pháp 1980, Điều 60 ghi “Nhà nước thực hiện từng bước chế độ giáo dục phổ thông bắt buộc, thực hiện chế độ học không phải trả tiền…”. Hiến pháp 1992, Điều 36 “…phổ cập giáo dục tiểu học… Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục, khuyến khích các nguồn đầu tư khác”. Hiến pháp 2013, Điều 61, khoản 2 “Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý”.
Việc miễn học phí cho học sinh bậc học THCS cũng được khẳng định tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo đó, Nghị quyết khẳng định từ sau năm 2020, bậc học phổ thông sẽ thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm. Tiếp đó, tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.2016, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo trình trung ương và Quốc hội về việc miễn học phí cho học sinh THCS theo lộ trình đến năm 2020… Tuy nhiên, lộ trình này đến giờ vẫn ở 2 chữ “đề xuất”!
Điều đó cho thấy việc thực hiện có chỗ còn lúng túng, bị động; lộ trình chưa đi đôi với nguồn ngân sách thực hiện. Ở đây có vấn đề làm sao “tính đúng, tính đủ” chi phí thực hiện Điều 99, Luật Giáo dục ngay khi Quốc hội quyết định thông qua.
Khi nào miễn học phí?
Theo con số thống kê sơ bộ trong 10 năm 2011- 2020, mức đầu tư cho giáo dục có xu hướng tăng đều, đạt hơn 18% tổng chi ngân sách nhà nước, tương đương 4,9% GDP, cao hơn nhiều nước trong khu vực. Tại hội thảo công bố Báo cáo phân tích ngành Giáo dục Việt Nam năm 2011- 2020, GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, tính theo tỷ lệ mức chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam tương đương 4,9% GDP, chỉ kém Malaysia 5%, còn cao hơn các nước khác trong ASEAN gồm Campuchia 1,9%, Singapore 2,9%, Lào 3,3%... Tuy nhiên, cần nhìn nhận con số phần trăm cao, nhưng khi quy về số tuyệt đối thì còn phụ thuộc ở quy mô nền kinh tế.
Cùng với đó, cơ cấu các khoản chi cho giáo dục ở Việt Nam cũng còn những bất cập. Theo GS Lê Anh Vinh, thực tế, khoảng 50% tỉnh, thành bảo đảm tỷ lệ chi thường xuyên cho hoạt động chuyên môn. Một số địa phương chi cho hoạt động chuyên môn trên 20% như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên và TP Hồ Chí Minh. Ngược lại, những địa phương chỉ bảo đảm tỷ lệ chi cho hoạt động chuyên môn dưới 10% như Hà Giang (4%), Tuyên Quang (3%), Sơn La (9%), Hòa Bình (6%) và Sóc Trăng (6%)… Rõ ràng, trong các khoản chi từ ngân sách cho giáo dục chưa có khoản nào là chi cho tiến trình “miễn học phí cho học sinh THCS” sẽ đưa vào lộ trình?
Theo ước tính sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng ta có 5.800.000 học sinh THCS. Nếu trừ đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt đã thực hiện việc miễn học phí rồi, số còn lại miễn khoảng 1.000.000 học sinh/ năm ước khoảng bốn nghìn tỷ trong một năm. Đây là con cụ thể mà lộ trình miễn học phí học sinh THCS sẽ đưa vào thực hiện khi nào?
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc ngay từ năm học 2022 – 2023... Tuy nhiên, đề xuất này liên quan đến nguồn chi ngân sách nhà nước năm 2022 và có phải khoản chi “đột xuất” không, phải rõ lộ trình, tính toán đầy đủ để sớm thực hiện theo quy định của luật.
Chính sách thực hiện phổ cập giáo dục đi liền với miễn học phí là nỗ lực lớn trong đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước; thể hiện tính ưu việt của chế độ và mức đầu tư cho quốc sách hàng đầu; đồng thời bổ sung nguồn lực cho an sinh xã hội bền vững để không để ai tụt lại phía sau trong xã hội học tập không ngừng. Đây cũng là khoản đầu cho tương lai, là sự mong mỏi của nhiều gia đình học sinh khi năm học mới đang cận kề.