|
Giám sát là một trong những hoạt động quan trọng của Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND. Thông qua hoạt động giám sát, các Ban HĐND vừa theo dõi, xem xét việc thực thi các Nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành vừa lắng nghe được tiếng nói của nhân dân và nắm bắt được những vấn đề bức xúc từ cơ sở nảy sinh trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của nhà nước. Trên cơ sở kết quả giám sát, các Ban tham mưu, giúp HĐND tỉnh tiếp tục ban hành các Nghị quyết sát, đúng thực tế, đồng thời kiến nghị UBND cùng cấp tháo gỡ những tồn tại, khó khăn và từng bước giải quyết các kiến nghị, yêu cầu chính đáng của nhân dân.
Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động giám sát, từ năm 2004- 2008, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc giám sát chuyên đề về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; Công tác dân số, gia đình và trẻ em; Giám sát công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; giám sát công tác khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi; Giám sát việc xây dựng các thiết chế văn hóa - thông tin - thể thao và đời sống văn hóa ở cơ sở, công tác đào tạo nguồn nhân lực, việc thực hiện các chính sách an sinh - xã hội. Các cuộc giám sát của Ban đã nhằm “trúng” những vấn đề người dân hết sức quan tâm “đúng” vào một số khó khăn, tồn tại trong quá trình quản lý, thực thi nhiệm vụ ở cấp cơ sở mà lâu nay chưa được tháo gỡ. Do đó, trong quá trình giám sát Ban luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ, tạo điều kiện của HĐND tỉnh, huyện, thị, thành phố. Sau giám sát, HĐND tỉnh đã xem xét và ban hành kịp thời nhiều Nghị quyết chuyên đề quan trọng. Kinh nghiệm rút ra qua các cuộc giám sát mà Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện thành công đó là việc lựa chọn, quyết định nội dung chuyên đề để tiến hành giám sát. Bởi muốn có một cuộc giám sát hiệu quả thì cần phải lựa chọn được nội dung “có vấn đề”. Nếu không có vấn đề thì “hậu giám sát” sẽ không biết kiến nghị, đề xuất gì. Kinh nghiệm của Ban Văn hoá- Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh khi lựa chọn nội dung giám sát là nghiên cứu kỹ và thường xuyên kiểm tra các văn bản pháp luật, các quy định, chính sách của Nhà nước triển khai, thực thi ở cơ sở như thế nào? có gì vướng mắc, bất cập không? người dân có kêu ca, phàn nàn gì không? Bên cạnh đó, việc bố trí làm việc và kiểm tra cơ sở, lắng nghe tiếng nói của cử tri thông qua các hoạt động tiếp xúc theo kế hoạch, gặp gỡ nhân dân cũng là một kênh thông tin quan trọng để góp phần giúp Ban quyết định lựa chọn cần giám sát chuyên đề nào. Ví dụ, thời gian gần đây tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai rất nhiều dự án kinh tế lớn, Ban nhận thấy có 2 vấn đề nảy sinh cần giải quyết, đó là một số hộ nông dân bị thu hồi đất không có việc làm và nguồn nhân lực vào làm việc tại các dự án này chưa có? Trên cơ sở các vấn đề nảy sinh, Ban đã quyết định lựa chọn giám sát chuyên đề về công tác đào tạo nguồn nhân lực. Thông qua chuyên đề giám sát này, Ban đã nắm bắt đầy đủ thực trạng công tác đào tạo, cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo nghề của tất cả các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn, các chính sách đầu tư của tỉnh dành cho công tác đào tạo nghề. Từ đó Ban đưa ra các kiến nghị, đề xuất, tham mưu sát đúng cho HĐND và UBND tỉnh để ban hành các chủ trương, chính sách ưu tiên cho công tác đào tạo nghề giải quyết vấn đề dư thừa lao động và đáp ứng nguồn lực phục vụ các dự án. Thông qua công tác TXCT, hoạt động chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh, Ban luôn nhận được ý kiến phản ánh của đại biểu và cử tri về chất lượng công tác khám chữa bệnh, thái độ phục vụ nhân dân chưa tốt. Trên cơ sở này, Ban đã cùng Thường HĐND tỉnh, huyện, thành phố, thị xã và một số Sở, ban, ngành liên quan phối hợp giám sát chuyên đề công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân. Qua kiểm tra, giám sát Ban đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế tăng cường công tác quản lý nhà nước, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sỹ, nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị; Đề nghị ngành Y tế chấn chỉnh kịp thời những đơn vị nợ lương, chậm lương, tiền trực của cán bộ y tế cơ sở; giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong tổ chức kỳ thi tuyển công chức; chấn chỉnh tinh thần thái độ phục vụ nhân dân trong các cơ sở khám chữa bệnh. Sau cuộc giám sát chuyên đề này của Ban, Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XV đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về Y tế. Với sự ra đời của Nghị quyết này ngành Y tế tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều bước chuyển biến mới, từng bước lấy lại niềm tin yêu của nhân dân.
Bên cạnh lựa chọn nội dung “hay” thì việc lựa chọn phương thức giám sát và kỹ năng tổ chức, thành lập Đoàn giám sát cũng được Ban quan tâm, chú trọng. Kinh nghiệm qua các cuộc giám sát chuyên đề mà Ban đã thực hiện đó là tiến hành song song cả hai phương pháp: giám sát trực tiếp (đi trực tiếp xuống cơ sở) và giám sát gián tiếp (tiến hành giám sát qua báo cáo). Cách tổ chức giám sát linh hoạt, mềm dẻo này vừa giúp cho các thành viên của Ban (phần lớn là hoạt động kiêm nhiệm) tham gia được đầy đủ tất cả các cuộc giám sát (do không phải đi cơ sở nhiều), đồng thời vừa tiết kiệm được thời gian, kinh phí và không gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của đối tượng, đơn vị chịu sự giám sát. Đối với một số cuộc giám sát chuyên đề buộc phải lựa chọn hình thức giám sát trực tiếp thì việc lựa chọn đối tượng, đơn vị, địa phương chịu sự giám sát được Ban tính toán, cân nhắc kỹ. Một nguyên tắc được Ban tuân thủ nghiêm trong tổ chức giám sát các chuyên đề đó là không làm việc với quá nhiều đối tượng, đơn vị, địa phương chịu sự giám sát. Lý do, cách thức tổ chức giám sát dàn trải sẽ gây khó khăn cho các các thành viên của Ban (do khó sắp xếp về mặt thời gian để tham gia) và ảnh hưởng đến các hoạt động khác của Ban (do thời gian giám sát kéo dài). Cùng với việc tổ chức giám sát một cách khoa học, Ban còn chú trọng lựa chọn các thành viên tham gia Đoàn giám sát. Kinh nghiệm của Ban là mời thêm các chuyên gia có kinh nghiệm về lĩnh vực giám sát. Điều này vừa giúp cho các thành viên của Ban “vững vàng” khi làm việc tại cơ sở do được đội ngũ chuyên gia cố vấn, hỗ trợ thêm kiến thức chuyên sâu; Đồng thời, đội ngũ chuyên gia cũng giúp Đoàn giám sát có những ý kiến kiến nghị xác đáng trong phần "hậu giám sát”.
Sau các cuộc giám sát, vấn đề được đặc biệt quan tâm, đó là “hậu giám sát” sẽ như thế nào? Nếu chỉ nêu kiến nghị rồi gửi bằng văn bản đến các cấp có thẩm quyền liên quan xem xét, giải quyết thì thời gian xử lý có khi kéo dài, thậm chí nhiều kiến nghị không được giải quyết thỏa đáng, kịp thời. Để khắc phục thực trạng này, kết thúc cuộc giám sát, Đoàn giám sát thường tổ chức ít nhất là một buổi làm việc với UBND tỉnh, các Sở, Ban, Ngành liên quan và có sự tham gia của Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh. Tại buổi làm việc trực tiếp này, các vấn đề cốt lõi của cuộc giám sát được nêu lên và cùng thảo luận phương hướng tháo gỡ, xử lý. Nếu vấn đề cần xử lý đến từ phía chính quyền các cấp thì UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết. Ngược lại, thuộc phạm vi điều chỉnh của HĐND tỉnh thì Ban sẽ tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết chuyên đề tại kỳ họp gần nhất. Một việc làm khác luôn được Ban quan tâm thực hiện để các cuộc giám sát mang lại hiệu quả cao hơn nữa đó là tiến hành “ tái giám sát” dưới hình thức theo dõi, thường xuyên kiểm tra kết quả của UBND tỉnh, các ngành liên quan thực hiện các kiến nghị của Ban. Bằng cách làm trên, về cơ bản hầu hết các kiến nghị qua các cuộc giám sát chuyên đề mà Ban đã thực hiện được xem xét, xử lý kịp thời.