Đưa trợ giúp pháp lý đến đồng bào dân tộc thiểu số
Theo Nội dung này, thì già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi… là lực lượng nòng cốt trong thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) cho đồng bào tại cơ sở. Theo đó, nhiều hoạt động được đặt ra, như: nâng cao nhận thức TGPL điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức tập huấn điểm về kỹ năng thực hiện TGPL cho người dân tộc thiểu số, tập huấn điểm về tiếp cận TGPL đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng các chương trình về TGPL cho người dân tộc thiểu số phủ sóng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Bộ Tư pháp đã có Văn bản số 1420/BTP-TGPL ngày 5.5.2022 hướng dẫn thực hiện nội dung TGPL. Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tư pháp, hiện 32 Sở Tư pháp ở địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp và Trung tâm Trợ giúp pháp lý các tỉnh, thành phố đã xây dựng, phát sóng các chương trình về các vụ việc TGPL thành công cho người dân tộc thiểu số trên hệ thống phát thanh, truyền hình; xây dựng, phát sóng các thông điệp truyền thông về TGPL, trong đó giới thiệu quyền được TGPL của người dân tộc thiểu số; biên soạn, cung cấp tài liệu truyền thông về chính sách TGPL cho người dân tộc thiểu số; tổ chức các đợt truyền thông điểm ở cơ sở để trực tiếp truyền thông, hướng dẫn thông tin về TGPL; thông tin và giải đáp các quy định về pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại diện Sở Tư pháp Cao Bằng cho biết, từ năm 2022 đến nay, Sở đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức 147 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các xóm, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 10.843 lượt người dân tham dự; biên soạn và phát hành 6 loại tờ gấp tuyên truyền, phổ biến pháp luật với hơn 18.000 bản được phát hành để phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân.
Lồng ghép các chương trình, nguồn lực
Từ năm 2017 - 2022, đã có 259.361 lượt người được trợ giúp pháp lý trong 241.823 vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó 71.314 người dân tộc thiểu số. Các vụ việc trợ giúp pháp lý đều được thẩm định chất lượng; các vụ việc tham gia tố tụng đều được đánh giá hiệu quả, với 23.858 vụ việc thành công.
Mặc dù, kinh phí thực hiện được bố trí từ nguồn ngân sách Trung ương, tuy vậy đến nay mới có 26 địa phương được cấp kinh phí thực hiện Chương trình. Đây là khó khăn lớn nhất, đặc biệt đối với các địa phương nghèo, chưa cân đối được nguồn thu - chi. Trong bối cảnh đó, việc lồng ghép các chương trình, các hoạt động, các nguồn lực cần được chú trọng hơn.
Đại diện Cục Trợ giúp pháp lý cho hay, mặc dù chưa có kinh phí để thực hiện các nội dung tại Chương trình liên quan đến công tác TGPL nhưng một số Trung tâm đã vận dụng, lồng ghép vào việc triển khai các hoạt động TGPL của mình như: lắp đặt bảng thông tin về TGPL; hộp tin, mẫu đơn yêu cầu TGPL đặt tại các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, UBND cấp xã; tư vấn pháp luật có liên quan đến chế độ, chính sách đối với người nghèo, người yếu thế, người sống ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi…
Để TGPL hiệu quả, cần sớm đổi mới hoạt động truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật qua công tác TGPL tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi phong phú, đa đạng hơn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng, miền, và phù hợp với từng đối tượng: xây dựng và phát hành các tờ gấp, tài liệu về TGPL bằng tiếng dân tộc thiểu số; thực hiện phóng sự về vụ việc TGPL thành công bằng tiếng dân tộc thiểu số hoặc có phụ đề tiếng dân tộc thiểu số.
Thực tế cho thấy, thông qua thực hiện các vụ việc TGPL cụ thể, truyền thông pháp lý lưu động thì nhận thức pháp lý của người được TGPL được nâng lên. Chính vì vậy, bên cạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của đồng bào về pháp luật thì rất cần sự vào cuộc từ sớm của các cơ quan chức năng liên quan đến hoạt động TGPL. Muốn làm được điều này, vai trò của già làng, trưởng bản, bộ đội biên phòng… hết sức quan trọng.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, cần phát huy vai trò của lực lượng biên phòng đối với các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa; quan tâm triển khai toàn diện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó chú trọng triển khai các cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp đối tượng, địa bàn đặc thù là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu vực biên giới.