Nâng cao đời sống Nhân dân
Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS), giai đoạn 2021 - 2025, toàn huyện có 2 xã khu vực III, 2 xã khu vực II và 8 xã khu vực I. Theo Quyết định số 433/QĐ UBDT ngày 18.6.2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, huyện Như Thanh có 17 thôn (1 thôn đã sáp nhập) ĐBKK thuộc 2 xã khu vực II và 3 xã khu vực I.
Báo cáo tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Hoa cho biết: Trong 3 năm (2021 - 2023), trên địa bàn huyện triển khai 9/10 dự án. Các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần ổn định, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn huyện năm 2021 đạt 35,57 triệu đồng/người/năm, đến năm 2023 đạt 47,45 triệu đồng/người/năm.
Giai đoạn 2021 - 2023, UBND huyện đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 622 hộ, với tổng kinh phí hơn 1,86 tỷ đồng; hỗ trợ nhà ở cho 31 hộ với tổng kinh phí 1,24 tỷ đồng. Cùng với đó, hỗ trợ 2 công trình nước sinh hoạt tập trung tại xã Thanh Kỳ và Cán Khê với 125 hộ được hưởng thụ. Việc thực hiện dự án đã hỗ trợ, giúp đồng bào DTTS khó khăn về nhà ở xây dựng được nhà ở kiên cố, bảo đảm 3 cứng và diện tích; hỗ trợ các gia đình mua téc nước, bảo đảm cho sinh hoạt, ổn định đời sống.
Ngoài ra, huyện Như Thanh đã triển khai thực hiện 5 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Đó là: Dự án chăn nuôi trâu, bò, dê cái sinh sản tại 4 xã: Cán Khê, Thanh Tân, Phượng Nghi và Thanh Kỳ với tổng kinh phí nhà nước hỗ trợ hơn 2,3 tỷ đồng; vốn đối ứng của các hộ tham gia dự án hơn 972 triệu đồng. Hiện nay, UBND các xã đang tổ chức cấp kinh phí cho các hộ thực hiện dự án, góp phần để các hộ nghèo có nguồn thu nhập thoát nghèo; các hộ cận nghèo và mới thoát nghèo có thêm nguồn thu nhập thoát nghèo bền vững. Nguồn kinh phí còn lại UBND huyện đang đề nghị chuyển nguồn sang năm 2024 thực hiện các nội dung thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.
Quyết tâm cao trong triển khai thực hiện
Tại buổi giám sát, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Mai Nhữ Thắng đánh giá cao nỗ lực, nghiêm túc và quyết liệt của các cấp, ngành, đoàn thể và Nhân dân huyện Như Thanh trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023. Việc thực hiện chương trình trên địa bàn đã đạt được kết quả cao, bảo đảm chất lượng, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt sớm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện cũng gặp phải một số khó khăn như: công tác triển khai ở một số nội dung của dự án còn chậm; việc rà soát, đề xuất một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại một số địa phương còn chưa sát với quy hoạch xây dựng chung, một số dự án không thực hiện được phải đề nghị tỉnh cho phép chuyển danh mục công trình...
Để việc triển khai được thực hiện đúng mục tiêu, hiệu quả hơn, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Mai Nhữ Thắng đề nghị, huyện Như Thanh tiếp tục tập trung, quyết liệt hơn nữa công tác tuyên truyền, huy động hệ thống chính trị vào cuộc và sự chung tay ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân tổ chức, thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao hơn. Quan tâm hơn nữa đến vai trò của cấp ủy ở cơ sở và quyết tâm cao, khắc phục những hạn chế. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm việc triển khai, thực hiện chương trình đúng mục tiêu, đúng quy định và đạt hiệu quả cao nhất.
Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Hoa khẳng định, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục bám sát nội dung Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 624-QĐ/TU của Tỉnh ủy; Kế hoạch số 278/KH-UBND ngày 14.12.2021 của UBND tỉnh thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025 với tinh thần thực hiện nhất quán chính sách dân tộc, bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển. Cùng với đó, sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn ngân sách nhà nước trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vùng ĐBKK. Đặc biệt, tranh thủ các nguồn lực, chương trình, dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp đồng bào vùng DTTS vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền trong huyện và tỉnh.
Bên cạnh đó, huyện Như Thanh cũng mong muốn, UBND tỉnh có cơ chế, giải pháp chuyển đổi đất ở, đất sản xuất đối với các huyện khó khăn về quỹ đất để bố trí thực hiện nội dung đất ở và đất sản xuất. Ngoài ra, HĐND và UBND tỉnh cần nâng mức hỗ trợ cho các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Đồng thời, giao cho 1 phòng cấp huyện chủ trì tham mưu cho cấp huyện các chương trình phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.