Nhà trí thức yêu nước
Lê Tư Lành (1914 - 1995) là con trai cụ cử Lê Tư Kiến - một trong những lãnh tụ chủ chốt của Việt Nam Quang phục hội - tổ chức yêu nước do Phan Bội Châu đứng đầu. Từ nhỏ, ông đã được quan tâm dạy bảo chữ Hán và thông qua người cha chí khí, ông sớm có ý thức dân tộc, hiểu nỗi đau của người dân mất nước và tâm niệm phải làm cái gì đóng góp cho quê hương. Biết thời thế, cụ Kiến quyết định chuyển cho ông sang Tây học. Hết tiểu học ở trường huyện, ông được gia đình chắt chiu, gửi ra Hà Nội học Trường Bưởi, ngôi trường duy nhất tại miền Bắc có mở đến hệ Chuyên khoa. Lê Tư Lành học giỏi. đặc biệt là Hán văn và Pháp văn.
Tốt nghiệp năm 1937, Lê Tư Lành không chịu hợp tác với chính quyền thực dân, ông đi dạy các trường tư thục như Trường Nguyễn Văn Tòng, Trường Gia Long, Trường Văn Lang. Ông chọn dạy Sử và Văn học, các môn khoa học xã hội dễ gợi mở cho học sinh lòng tự hào dân tộc, yêu nước thương nòi. Nhiều học sinh (nay ở tuổi 80 - 90), vẫn nhớ đến người thầy trẻ uyên bác, nhiệt tình, thể hiện một tấm lòng yêu nước thiết tha và qua ông, đã tham gia các phong trào xã hội và hướng về cách mạng.
Tháng 8.1945, ông Lành tham gia khởi nghĩa ở quê hương, là thành viên Ủy ban Hành chính huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ngày 8.9.1945, Chính phủ lâm thời ra Sắc lệnh số 14 mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội, cứ 5 vạn dân có một đại biểu. Huyện Duy Tiên và tỉnh Hà Nam giới thiệu Lê Tư Lành và ông đã trúng cử với số phiếu rất cao, trở thành một trong 333 đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
![]() ĐBQH Lê Tư Lành (ngoài cùng bên phải) cùng các thành viên Ban Thường trực Quốc hội Khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946 - 1960) |
Người đại biểu của dân
Thời đầu kháng chiến chống Pháp, Lê Tư Lành còn giữ các chức vụ ở tỉnh Hà Nam như: Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh, Phó hội trưởng Hội Liên Việt tỉnh, Hội trưởng Hội Văn hóa tỉnh, Trưởng ban Diệt dốt tỉnh, Trưởng ban Địch vận tỉnh. Đại biểu Quốc hội hồi đó, cũng như nhiều chức vụ chính quyền, không có lương mà chỉ có phụ cấp ít ỏi, vẫn phải làm một nghề để kiếm sống.
Từ những năm 1950 - 1960, ngoài “nhiệm vụ dân trao”, ông Lành vẫn tham gia dạy học ở Thanh Hóa (trước năm 1954) và Hà Nội (sau khi hòa bình lập lại), đồng thời nghiên cứu thêm về văn hóa và lịch sử. Học sinh của thầy Lành mà một số sau này đã trở thành các nhà nghiên cứu và quản lý tên tuổi, khi gặp nhau vẫn hồi tưởng người thầy kiến thức rộng có thể dạy được nhiều môn, từ Chính trị (một môn học ở trường phổ thông hồi đó), đến Văn, Sử, Địa, Pháp ngữ mà môn nào thầy dạy cũng hay. Giọng thầy hùng biện, chuẩn bị bài vở cẩn thận, chu đáo và thường xuyên; để minh họa cho bài giảng, thầy kể những câu chuyện dí dỏm làm cả lớp phá lên cười.
Với chiếc xe đạp cọc cạch, đi từ trường này đến trường khác, học sinh không hiểu vì sao thỉnh thoảng thầy lại cho nghỉ vài ngày liền, dạy bù vào Chủ nhật. Sau, đọc báo, mới biết những dịp đó thầy đi họp Quốc hội. Xem ảnh thời sự, thấy thầy còn ngồi trên Chủ tịch đoàn cùng với các nhà lãnh đạo cao cấp (trong đó có cả Chủ tịch Hồ Chí Minh). Hóa ra ông thầy dáng điệu có vẻ cũ kỹ, nhỏ bé và khiêm tốn ấy là một nghị sĩ, một chính khách, có quyền bất khả xâm phạm và miễn trừ trong nhiều lĩnh vực hoạt động mà ở các nước khác được trọng vọng và danh giá vô cùng. Hơn thế nữa, từ tháng 2.1950, ông thầy của họ còn nằm trong số 13 người của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thay mặt cho Quốc hội trong khi Quốc hội không họp, làm nhiệm vụ liên lạc với Chính phủ, quyết định nhiều vấn đề được giao phó trong quyền hạn của mình. Với tính cẩn thận, nắm bắt vấn đề nhanh, thầy Lành thường được cử vào Thư ký đoàn trong những kỳ họp bàn thảo những vấn đề trọng đại của đất nước.
Do am hiểu pháp luật, viết lách chặt chẽ, gần dân, nhạy cảm với tình hình nên từ năm 1957 - 1960, ông Lê Tư Lành được bầu vào Ủy ban sửa đổi Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban, gọi là Hiến pháp 1960, được đánh giá rất tiến bộ.
Từ năm 1960, ông Lê Tư Lành tạm ngừng việc dạy học (ở các trường phổ thông), trở về với công việc sở trường của mình là nghiên cứu khoa học xã hội và lịch sử. Với trình độ Hán học uyên thâm, ông đã cùng những nhà Hán học khác tổ chức và giảng dạy lớp Hán Nôm đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để đào tạo các cán bộ có khả năng khai thác kho tàng văn học, lịch sử quý báu tổ tiên để lại…
Có thể nói, người đại biểu nhân dân Lê Tư Lành đã sống một cuộc đời đầy trách nhiệm, với nhân cách cao đẹp và có những đóng góp không nhỏ cho dân tộc.
Khám phá nhiều bí ẩn của lịch sử Trong nghiên cứu, Lê Tư Lành là một tấm gương thể hiện thái độ thực sự cầu thị, tỉ mỉ, nghiêm túc, cần mẫn và khách quan. Nhờ thế, ông đã đính chính được nhiều nhầm lẫn trong việc nghiên cứu văn bia, khôi phục những chữ khắc sai, mất nét... mang đến cho độc giả những bản gốc đáng tin cậy (có khi một văn bản ông đã phát hiện đến 253 chỗ sai sót đáng tiếc) hoặc giới thiệu những tư liệu, cổ vật mới tìm thấy và nêu bật giá trị lịch sử của chúng. Ông thích thú khám phá những bí ẩn của lịch sử bị thời gian che phủ hoặc thiếu tư liệu do người ghi chép cố tình xuyên tạc, che đậy sự thật. Ví dụ, từ việc khai thác, phân tích, xử lý đến từng chi tiết nhỏ của những tư liệu ít ỏi, ông đã phục dựng sự thật về vụ án Lệ Chi Viên dẫn đến cái chết bi thảm của Nguyễn Trãi và gia đình. Đó là một vụ án bị xáo trộn bởi các huyền thoại và sử liệu đầy mâu thuẫn liên quan đến những bí mật cung đình và lợi ích, quyền lực của những nhân vật cầm đầu vương triều Lê đương thời... |