Với quy mô lớn nhất từ trước đến nay về hoạt động của HĐND, hội nghị đã thực sự trở thành diễn đàn quan trọng - nơi những kinh nghiệm hay, bài học quý được sẻ chia để lan tỏa sâu rộng hơn “làn gió tươi mới” trong hoạt động các cơ quan dân cử; những khó khăn vướng mắc từ thực tiễn được thẳng thắn chỉ rõ. Đặc biệt, những giải pháp khắc phục, tháo gỡ cũng kịp thời được đề ra nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.
Tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò trong hệ thống chính trị ở địa phương
Hơn 1 năm kể từ thời điểm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023 tại Quảng Ninh, các địa phương trong cả nước đã nỗ lực ghi dấu ấn khá toàn diện, nổi bật trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển. Góp sức vào thành tựu chung ấy, có vai trò quan trọng của các cơ quan dân cử các cấp với những đổi mới tích cực và nhiều giải pháp quyết liệt nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động.
Nhận định này đã được Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề cập ngay trong phát biểu chào mừng Hội nghị. Trong đó, nhấn mạnh HĐND thành phố đã khẳng định được vị thế của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, vai trò trong hệ thống chính trị. Những đóng góp của cơ quan dân cử thành phố đã cùng hệ thống chính trị Thủ đô khép lại năm 2023 với những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu quả tiếp tục được đẩy mạnh... Đặc biệt, nhiều nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược liên quan đến phát triển Thủ đô.
Tại Quảng Ninh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký cho biết, chỉ tính riêng năm 2023, đã có 68 nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành về các chủ trương, biện pháp, cơ chế chính sách quan trọng, cần thiết trên các lĩnh vực đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển bền vững địa phương; góp phần xây dựng chính quyền địa phương vững mạnh, thực sự “của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”... Trong đó, một điểm mới đáng chú ý, các phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh đều được phát thanh, truyền hình trực tiếp, trực tuyến trên các hạ tầng thông tin, Fanpage của Trung tâm truyền thông tỉnh để kết hợp tương tác hiệu quả giữa chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và câu hỏi chất vấn trực tiếp của cử tri, Nhân dân.
Hiệu quả từ công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ
Theo dõi các phát biểu tham luận tại hội nghị, có thể thấy điểm nhấn trong hoạt động của HĐND các địa phương trong năm 2023 còn thể hiện rõ nét trong tăng cường phối hợp, giữ mối liên hệ công tác giữa cơ quan dân cử địa phương với các cơ quan ở Trung ương và các cơ quan trong hệ thống chính trị trên địa bàn. Như chia sẻ của đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, góp phần vào hiệu quả hoạt động của mỗi bên. Nổi bật, công tác phối hợp tổ chức khảo sát, giám sát để nắm bắt, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân; nhất là đối với những vấn đề nổi cộm, bức xúc, kéo dài. Với nền tảng cùng là cơ quan dân cử đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân trong tỉnh và chức năng, nhiệm vụ có tính chất tương đồng đã góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận trong cử tri, Nhân dân để địa phương thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển…
Thực tiễn tại Khánh Hòa lại cho thấy, công tác phối hợp giữa HĐND và UBND cùng cấp được thực hiện hiệu quả theo đúng quan điểm đã được luật định, HĐND tỉnh là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, ban hành nghị quyết về các vấn đề xây dựng địa phương và giám sát hoạt động thực hiện pháp luật ở địa phương. UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước ở địa phương, là cơ quan chấp hành và chịu sự giám sát của cơ quan bầu ra là HĐND tỉnh. Sự phối hợp chủ động, chặt chẽ, đồng bộ theo đúng quy định và linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế địa phương giữa UBND và HĐND tỉnh đã giúp cả 2 cơ quan đều thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao và tạo điều kiện hết sức thuận lợi trong việc triển khai các chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và các chính sách khác trên địa bàn...
Tại thành phố Hải Phòng, sự quan tâm thường xuyên, chỉ đạo sát sao của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và từ phía người đứng đầu HĐND và UBND thành phố đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để hai đơn vị gắn kết chặt chẽ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức năng được giao. Đặc biệt, sự phối hợp trong công tác thi đua khen thưởng giữa Thường trực HĐND và UBND thành phố đã tạo sự lan tỏa rộng khắp; kịp thời động viên, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác đại biểu dân cử các cấp, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động của HĐND các cấp
Một ngày làm việc tập trung, tâm huyết, trách nhiệm của Hội nghị đã chính thức khép lại. Với các đại biểu tham dự, chừng ấy thời gian là chưa đủ để chuyển tải hết những cách làm hay, những kinh nghiệm quý và cả những trăn trở, đau đáu đối với nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử các địa phương.
Vượt lên khuôn khổ của một hoạt động thường niên, Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác và triển khai nhiệm vụ của HĐND đã và đang khẳng định là diễn đàn quan trọng để tăng cường vai trò hướng dẫn, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND. Tại hội nghị này, cùng với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan dân cử các địa phương cũng nhận được sự lắng nghe của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các cơ quan Trung ương đối với các vướng mắc, rào cản trong thực tiễn hoạt động. Từng vấn đề kiến nghị chắc chắn sẽ được tiếp thu, tổng hợp để kịp thời có chủ trương tháo gỡ cho hoạt động của cơ quan dân cử các cấp theo thẩm quyền.
Kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhiệm vụ đặt ra đối với HĐND là vô cùng lớn. Dù vậy, sự vào cuộc trách nhiệm của cơ quan dân cử các địa phương đã góp phần tạo ra sự chủ động linh hoạt, khơi thông và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, tạo bước đột phá, góp phần hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường… Điều này đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh trong phát biểu kết luận Hội nghị: Ở những địa phương hoạt động của HĐND tích cực và hiệu quả thì sẽ có kết quả phát triển kinh tế - xã hội nổi bật.
Khẳng định của người đứng đầu Quốc hội cho thấy, sự quan tâm, tăng cường lãnh đạo của cấp ủy các cấp; cùng hành lang pháp lý ngày càng chặt chẽ, hoàn thiện; tổ chức hoạt động của cơ quan dân quyền lực Nhà nước ngày càng được quan tâm… có ý nghĩa, vai trò quan trọng không chỉ đối với hoạt động của HĐND mà còn giữ vai trò then chốt, tác động mạnh mẽ đến kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của từng địa phương và cả nước...
Một “làn gió tươi mới” đã được khởi nguồn từ chính những đổi mới quyết liệt của Quốc hội, sự quan tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã và đang lan tỏa ngày càng rộng khắp trong hoạt động của cơ quan dân cử điạ phương. Đây là động lực rất lớn, truyền cảm hứng và nhiệt huyết để mỗi cơ quan dân cử và đại biểu dân cử địa phương tiếp tục đổi mới toàn diện, khẳng định vững chắc vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, ngày càng đại diện xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân địa phương.