Nguy cơ mất trắng 3 container
- Được biết, sáng nay, 17.7, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã phối hợp làm việc với 3 doanh nghiệp xuất khẩu điều, hồ tiêu, quế sang Dubai nghi có dấu hiệu lừa đảo. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về nội dung cuộc làm việc này?
- Sáng nay, chúng tôi đã làm việc với 3 doanh nghiệp, trong đó có một hội viên của VINACAS là Công ty Tín Mai, còn lại là hội viên của VPA.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp này, họ đều ký hợp đồng xuất khẩu nông sản như hồ tiêu, quế, điều sang Dubai cho cùng một đối tác là Công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC và cùng một ngân hàng là Ajman Bank PJSC tại Dubai thuộc các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Mỗi doanh nghiệp đã xuất khẩu 1 container hàng và đã nhận 15% tiền đặt cọc, số tiền còn lại 85% sẽ thanh toán khi nhận hàng. Các lô hàng này đều đã được giao từ tháng 6.2023 và đã được phía đối tác lấy hàng với đầy đủ bộ chứng từ gốc, song đến nay không thanh toán tiền còn lại cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng không thể liên lạc được với khách hàng.
Sơ bộ, chỉ riêng Công ty Tín Mai, 1 container hạt điều nhân có giá trị theo hợp đồng là 90.350 USD. Như vậy, công ty này có nguy cơ mất trắng gần 77.000 USD, tương ứng khoảng 1,8 tỷ đồng.
Ngay khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, các doanh nghiệp đã tìm cách liên hệ với ngân hàng bên mua là Ajman Bank PJSC đề nghị giữ lại bộ chứng từ. Có doanh nghiệp đã cử người trực tiếp sang làm việc với ngân hàng này. Tuy nhiên, phía ngân hàng không có sự hợp tác với phía Việt Nam mà vẫn trao chứng từ cho khách hàng bên kia.
Hiện, chúng tôi mới lắng nghe từ phía doanh nghiệp. Sáng mai, chúng tôi sẽ làm việc với 3 ngân hàng độc lập gồm Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Sacombank và Ngân hàng Hàng hải Việt Nam để nghe họ trình bày về việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng là doanh nghiệp Việt Nam như thế nào, sau đó mới có thông tin chi tiết để tổng hợp, gửi báo cáo các cơ quan Trung ương.
- Đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp xuất khẩu bị lừa đảo. Vậy so với vụ việc 100 container hạt điều bị lừa đảo tại Italia hồi đầu năm ngoái, sự việc lần này có điểm gì khác biệt, thưa ông?
- Có sự khác biệt rất lớn. Với vụ việc 100 container hạt điều năm ngoái, khi hàng vẫn chưa cập cảng nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam không rõ bộ chứng từ gốc ở đâu và bất cứ ai có bộ chứng từ đó đều có thể đến hãng tàu để nhận hàng. Do đó, các doanh nghiệp có hy vọng là vẫn lấy lại hàng khi tìm được bộ chứng từ gốc, và thực tế 100 container này đều đã trả lại quyền sở hữu cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, với vụ việc lần này, họ đã lấy được bộ chứng từ gốc và lấy toàn bộ 3 lô hàng, Bây giờ không rõ họ đã tiêu thụ hay hủy lô hàng ở đâu. Có thể hiểu, doanh nghiệp đã mất hết 85% số tiền còn lại của lô hàng.
Hai lưu ý cho doanh nghiệp xuất khẩu
- Trong vụ việc này liệu có sơ hở nào của chính các doanh nghiệp Việt Nam không, thưa ông?
- Về nguyên tắc, phải trả 100% tiền hàng mới tiến hành giao hàng xuống tàu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là doanh nghiệp trong ngành điều gặp rất nhiều khó khăn, giá nhân điều xuống thấp nhất trong 5 năm qua, thì việc ký được hợp đồng xuất khẩu là rất đáng mừng và họ có thể chấp nhận mức đặt cọc 15%.
Thêm vào đó, đây không phải là lần đầu tiên, các doanh nghiệp này ký hợp đồng với đối tác bên Dubai. Trước đó, đối tác đã ký hợp đồng mua 1 container hàng của mỗi doanh nghiệp và trả tiền sòng phẳng nên đã tạo dựng được niềm tin nhất định cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp này cũng đều có kinh nghiệm trong giao dịch quốc tế, thậm chí hơn 10 năm và có hàng chục khách hàng nước ngoài. Do đó, trong bối cảnh hàng ế ẩm như hiện nay cũng có thể hiểu cho doanh nghiệp, bởi nếu cứng nhắc quá, đòi hỏi phải trả 100% tiền mới giao hàng có thể sẽ bỏ lỡ mất cơ hội.
- Điều mà các doanh nghiệp đang rất trông chờ là liệu có cơ hội nào cho họ trong việc lấy lại được hàng/tiền. Ông nghĩ sao?
- Hiện, các doanh nghiệp có cơ sở quan trọng là ngân hàng giữ bộ chứng từ gốc. Trong sáng mai, tại cuộc làm việc với các ngân hàng của Việt Nam, chúng tôi sẽ làm rõ vấn đề này. Nếu phía ngân hàng của Việt Nam đã làm hết trách nhiệm mà phía ngân hàng bên kia không hợp tác thì có cơ sở báo cáo lên Bộ Ngoại giao để yêu cầu Lãnh sự quán Việt Nam tại Dubai yêu cầu ngân hàng bên kia giải trình. Khi đó sẽ có căn cứ báo cáo Chính phủ can thiệp.
- Sau vụ việc này, ông có khuyến cáo gì cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản?
- Chúng tôi đã nhiều lần khuyến cáo và tiếp tục đề nghị các doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp sau.
Một là, phải sử dụng phương thức thanh toán an toàn, yêu cầu LC (phương thức thanh toán bằng thư tín dụng - Letter of Credit); yêu cầu đối tác phải có sẵn tiền chuyển vào ngân hàng 100% giá trị hợp đồng, để doanh nghiệp yên tâm và nhờ ngân hàng Việt Nam thu hộ để lấy tiền về.
Hai là, các doanh nghiệp cần tìm hiểu hết sức cẩn thận về người mua. Ở đây, dù đối tác mua hàng lần thứ hai của doanh nghiệp, song vẫn là khách hàng rất mới.
Bài học kinh nghiệm từ sau vụ 100 container hạt điều năm ngoái là các doanh nghiệp cần tìm hiểu thông tin khách hàng qua các đại sứ quán Việt Nam, các phòng thương mại của Việt Nam tại nước sở tại, để qua đó có thông tin cập nhật về khách hàng. Bởi thực tế, có những khách hàng có thể từng rất uy tín, nhưng vài tháng trở lại đây họ lại có nhiều vấn đề, thậm chí là đã phá sản. Nếu doanh nghiệp không thường xuyên cập nhật thông tin khách hàng về độ uy tín, tình trạng hoạt động thì nguy cơ rủi ro rất lớn.
- Xin cảm ơn ông!