Ngày 15.8, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo “đăng đàn” gặp gỡ, trao đổi với cán bộ, giáo viên và nhân viên của ngành. TS. Phạm Kiều Anh (Trường ĐHSP Hà Nội 2) đã có những chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân bên lề Chương trình.
Lắng nghe, thấu hiểu tâm tư
- Chương trình “Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục đào tạo năm 2023” là lần đầu tiên Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ trao đổi với cán bộ, giáo viên và nhân viên của ngành. Tiến sĩ nhận định gì về sự kiện này, đặc biệt là khi ngành giáo dục Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức?
- Tôi cho rằng, đây là điều rất đáng trân trọng trong đời sống chính trị của ngành bởi đây là lần đầu tiên, Tổng tư lệnh gặp gỡ trực tiếp và trực tuyến với các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục, đào tạo trong cả nước.
Mục đích của Chương trình là để Bộ trưởng thông tin về tình hình, chủ trương lớn của ngành; chia sẻ, động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục trong cả nước chuẩn bị năm học mới; lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục hiện nay.
Đồng thời cũng là một kênh thức trực tiếp tìm ra những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn và cả những thách thức của toàn ngành trong bối cảnh đổi mới giáo dục trong thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, việc cập nhật được những tâm tư nguyện vọng của đội ngũ cán bộ nhân viên trong ngành cũng giúp việc định hướng chính sách phù hợp để phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo và thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 29. Có thể khẳng định, sự kiện này thực sự thiết thực và trân quý.
Trong bối cảnh giáo dục nước nhà đang chịu những ảnh hưởng khác nhau của bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu. Những ảnh hưởng đó không chỉ riêng ngành giáo dục của Việt Nam mà đã và đang xuất hiện ở nhiều quốc gia, khiến cho vị thế, những yếu tố bên trong của giáo dục nhiều nước phải đối diện với những thay đổi, áp lực.
Giáo dục Việt Nam cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Theo đó, trong bối cảnh hiện tại, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang khẩn trương có những hành động nhằm củng cố giá trị của nghề giáo, khắc phục các khó khăn nội tại như chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý chưa đồng đều; hệ thống cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế là những việc làm có ý nghĩa…
Bên cạnh đó, tôi tin tưởng rằng, việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm tiếp tục luật hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục” sẽ là những điều cần thiết để từng bước khắc phục những khó khăn cho toàn ngành…
- Theo bà, đâu những giải pháp để tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp của ngành giáo dục và đào tạo của Việt Nam, nâng cao chất lượng dạy và học các cấp trong thời gian tới?
- Để nâng cao chất lượng dạy và học cho các cấp, các bậc học, tôi cho rằng, cần tới nhiều yếu tố như: nhân lực, vật lực, sự hỗ trợ, thấu hiểu, thông cảm, đồng hành và cùng chia sẻ của toàn xã hội… Trong vài năm gần đây, tôi nhận thấy, đối với các bạn sinh viên học sư phạm, có bạn thực sự là đam mê, nhưng cũng có bạn từng chia sẻ là vì theo định hướng của gia đình, của phụ huynh. Điều đó, ảnh hưởng tới chính thực tế thái độ và quyết tâm học tập của các bạn ấy. Nhưng phần lớn sinh viên các trường sư phạm ra trường vẫn theo nghề dạy học. Vài năm gần đây, các bạn sinh viên ra trường cũng có nhiều cơ hội xin việc hơn.
Tuy nhiên, để có thể “giữ lửa” thì điều cần thiết là ngoài hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của nghề, cần khai phá được những nhiệm vụ, những công việc mà ngành và nhiều thầy cô giáo ở các cấp học, bậc học đã và đang thực hiện theo chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm giúp các bạn sinh viên nhận thức được những yêu cầu thiết yếu khi bắt tay vào công cuộc “trồng người” trong theo yêu cầu của xã hội hiện đại.
Đồng thời cũng cần khơi gợi để các bạn ấy cảm nhận được những giá trị rất riêng của nghề giáo - nghề không giàu về vật chất nhưng lại rất đầy đủ về tình người, về giá trị tinh thần…
Thực tế cho thấy, vấn đề mà nhiều quốc gia đều nhận thấy và đặt ra đó là chuyển từ một nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức, kỹ năng cho người học sang một nền giáo dục giúp phát triển năng lực, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo cho người học, đáp ứng những yêu cầu đặt ra cho công dân trong thời đại Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Và với dòng chảy của các mô hình học tập mới cùng sự phát triển của khoa học công nghệ, các phương pháp giáo dục truyền thống chắc chắn sẽ chịu nhiều thách thức.
Tại Việt Nam, giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, các phần mềm giáo dục đã được đưa vào sử dụng. Điều này cũng đòi hỏi giáo viên và học sinh có khả năng thích nghi và làm chủ công nghệ.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết dẫn đến một câu hỏi mà các nhà giáo dục cần phải trả lời là xác định kiến thức cốt lõi mà người học cần được trang bị trong tương lai… Vì vậy, tôi cho rằng cũng cần có những phương pháp, hình thức dạy và học mới, tiến bộ hơn giúp giáo viên, học sinh, sinh viên hứng thú hơn, hiệu quả và thiết thực hơn…
Chính sách mới tạo động lực bứt phá
- Bà có kỳ vọng gì về Chương trình “Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục đào tạo năm 2023”?
- Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày cành sau rộng, cùng với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi nguồn lực con người phải luôn được nâng cao cả về năng lực chuyên môn và các “kỹ năng nền” để có thể đáp ứng được các yêu cầu của xã hội.
Điều này đặt ra cho ngành Giáo dục và Đào tạo sứ mệnh to lớn là chuẩn bị đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Trong khi các mô hình giáo dục trong quá khứ tập trung vào việc cung cấp cho người học các kiến thức, kỹ năng cần thiết để giúp họ trở thành những người có tay nghề chuyên môn cao, các nhà giáo dục ngày nay quan tâm nhiều hơn đến việc dạy học sinh cách tự học. Giáo dục dạy cho học sinh học cách tư duy, cách đánh giá các tình huống, các vấn đề phức tạp trong cuộc sống, qua đó hình thành năng lực giải quyết vấn đề.
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, vai trò của người giáo viên trong lớp học cũng có sự biến đổi. Hệ thống quản lý trường học với sự hỗ trợ của công nghệ có thể cung cấp hệ thống dữ liệu giúp giáo viên theo dõi sự tiến bộ của mỗi lớp học, qua đó có những phản hồi ngay lập tức với những khó khăn mà học sinh đang gặp phải... Điều đó, rõ ràng sẽ giúp cho ngành Giáo dục và Đào tạo có những thay đổi nhanh chóng nhằm ứng phó với các tình huống mới.
Trong bối cảnh ấy, tôi mong rằng, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục chính sách mới, có những đổi mới sáng tạo nhằm kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của truyền thống giáo dục Việt Nam…
Đặc biệt, khi Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp lắng nghe ý kiến của các thành viên trong ngành, tôi hy vọng xã hội cũng thấm hiểu hơn những vất vả lặng thầm, những hy sinh và cả những cống hiến của đội ngũ làm trong ngành Giáo dục và Đào tạo. Cũng mong muốn, từ cuộc gặp gỡ trong “ngôi nhà chung giáo dục” này, Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo có những chỉ đạo hợp, sát với thực tế nghề, với ngành. Hy vọng dự thảo Luật Nhà Giáo sẽ sớm được hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo vào tháng 10.2024.
Tôi cũng tin tưởng rằng, ngay sau Chương trình “Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục”, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những chủ trương, chính sách mới, toàn diện, thiết thực với hiệu quả cao để toàn ngành có thêm động lực bứt phá mạnh mẽ, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp đổi mới của đất nước…
- Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Phạm Kiều Anh!