
Là địa bàn miền núi, biên giới với 43 dân tộc sinh sống, trong đó có 7 dân tộc thiểu số, việc phát huy vai trò của già làng, người có uy tín luôn được các cấp, các ngành tỉnh Kon Tum chú trọng; qua đó, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tiếp tục đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tỉnh Kon Tum luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ, động viên những người có uy tín, được nhân dân tín nhiệm, có sức ảnh hưởng trong cộng đồng làng xã tham gia vào các phong trào xã hội, các mô hình phát triển kinh tế, các cuộc vận động của các đoàn thể chính trị- xã hội với “vai trò đầu tàu” trong công tác tuyên truyền vận động để người dân học tập và noi theo.
Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền ở địa phương cơ sở triển khai thực hiện tốt các chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo nâng cao trình độ, tạo điều kiện thuận lợi để người có uy tín phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền vận động, giúp người dân hiểu, nghe, tin tưởng và làm theo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Huyện Sa Thầy có 62 thôn làng, trong đó có 42 thôn làng đồng bào DTTS. Thời gian qua, các địa phương của huyện đã phát huy tối đa vai trò của già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bằng uy tín của mình, đội ngũ già làng, trưởng thôn, người có uy tín trên địa bàn huyện đã vận động người dân tích cực thi đua sản xuất, phát triển kinh tế, đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng thôn, làng vững mạnh, mạnh dạn vay vốn để đầu tư sản xuất. Từ đó, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững.
Huyện Ngọc Hồi cũng là một trong những địa phương phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong tuyên truyền vận động, nhất là trong thay đổi nếp nghĩ cách làm, loại bỏ các phong tục không còn phù hợp. Huyện hiện có 17 dân tộc sinh sống trên địa bàn 8 xã, thị trấn với dân số 64.968 người, trong đó người DTTS chiếm tỷ lệ 57%. Toàn huyện có trên 70 người có uy tín là các già làng, bí thư chi bộ, thôn trưởng.

Với vai trò của mình, người có uy tín trên địa bàn huyện Ngọc Hồi tham gia hướng dẫn, giúp đỡ các hộ gia đình đồng bào DTTS thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự tại địa phương; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tích cực thi đua lao động sản xuất, thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, chương trình mục tiêu quốc gia; bảo đảm an ninh, đoàn kết dân tộc khu vực biên giới và miền núi.
Theo Ban dân tộc tỉnh Kon Tum, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm và tranh thủ người có uy tín, cung cấp thông tin, hướng dẫn và đề xuất một số nhiệm vụ cho người có uy tín để tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, các phong trào thi đua, cuộc vận động của địa phương. Qua đó, đã làm chuyển biến nhận thức của đồng bào DTTS trong sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tích cực tham gia đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc phát huy nhiệm vụ của các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trong công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến và thực hiện các chế độ chính sách đối với người có uy tín; tạo điều kiện cho người có uy tín tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh nêu các gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực và kịp thời biểu dương, khen thưởng những người có uy tín có thành tích tiêu biểu trong lao động sản xuất, vận động đồng bào tham gia thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tạo phong trào thi đua rộng khắp trong toàn tỉnh.