Tuy nhiên, việc thực hiện các chương trình của địa phương cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc khách quan, cần được trung ương và các cấp có thẩm quyền tháo gỡ.
Giai đoạn 2021-2025, Kon Tum được trung ương phân bổ, giao chung cả 3 chương trình là 2.888 tỷ đồng và ngân sách địa phương đối ứng 688 tỷ đồng. Theo báo cáo của UBND tỉnh, 8 tháng năm 2023, giải ngân vốn đầu tư phát triển mới đạt 49,7% kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương đạt 37%.
Khó khăn chung của Kon Tum là những vướng mắc liên quan đến tiến độ xây dựng, ban hành thể chế, chính sách quản lý, tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của bộ, ngành Trung ương chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến việc triển khai các khâu phân bổ, giao kế hoạch thực hiện, giải ngân vốn…
Bên cạnh đó, một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc 3 Chương trình MTQG có sự trùng lắp về mục tiêu, nội dung, đối tượng.
Trước những yêu cầu đặt ra, UBND tỉnh đã triển khai các giải pháp trọng tâm, trong đó phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân trong thực hiện các chương trình.
Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, chỉ đạo, giám sát giữa các cơ quan đơn vị cấp tỉnh và các địa phương; tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo các cấp để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, nắm bắt, xử lý khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp truyền thông về các chương trình MTQG gắn với thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” để tạo sự lan tỏa trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, từng ngành, từng huyện và thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn thực hiện các chương trình MTQG; rà soát, cân đối, bố trí đủ nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương theo quy định, huy động hiệu quả các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách để thực hiện các chương trình; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng mục tiêu trong phân bổ, sử dụng nguồn lực đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, dàn trải; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chương trình để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc.