Nhanh, mạnh và hiệu quả

- Chủ Nhật, 30/01/2022, 11:34 - Bản đầy đủ
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô gói hỗ trợ lên đến 350 nghìn tỷ đồng. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm, đây là nguồn lực đủ mạnh để tạo ra một cú hích cho sự tăng trưởng và phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta, vấn đề quan trọng là triển khai kịp thời, hiệu quả.

- Thưa ông, chương trình phục hồi kinh tế mà Quốc hội vừa thông qua sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế trong thời gian tới?

Có thể nói nếu như các chính sách này được thực thi, sẽ bảo đảm cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được thực hiện có hiệu quả. Tôi cho rằng, đây chính là yếu tố mang tính chất quyết định để thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế đất nước trong năm 2022 và thời gian tiếp theo ở một tốc độ cao hơn so với bình thường. Những chính sách về tài khóa, tiền tệ này đủ mạnh để tạo nên cú hích cho sự tăng trưởng và phục hồi của kinh tế đất nước trong thời gian tới.

- Một trong những điểm tích cực của Chương trình lần này là sẽ không dàn trải và có đối tượng hỗ trợ cụ thể. Điều này có tác động như thế nào tới sự phục hồi kinh tế, thưa ông?

Chương trình lần này được chuẩn bị một cách bài bản, kỹ lưỡng, chu đáo hơn, bảo đảm có trọng tâm và hướng tới đúng đối tượng, đúng những lĩnh vực để tạo ra đột phá, thúc đẩy sự lan tỏa trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Chương trình lần này chủ yếu tập trung vào ba lĩnh vực: Một là thông qua các chính sách miễn, giảm thuế, cụ thể là miễn, giảm thuế giá trị gia tăng. Thứ hai, thúc đẩy đầu tư và thứ ba là một số các chính sách về hỗ trợ tài khóa, tiền tệ. Nhóm chính sách này đều hướng tới những đối tượng có khả năng tạo ra tác động lan tỏa cho nền kinh tế.

Ví dụ chính sách giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tác động vào sức “cầu” của nền kinh tế. Từ “cầu” này sẽ thúc đẩy phát triển một số lĩnh vực mà hiện nay đang gặp khó khăn, vướng mắc trong phát triển, do tác động của dịch bệnh, vì sau khi “cầu” tăng lên thì sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của “cầu”. Đồng thời, về chính sách đầu tư, trong đó  lĩnh vực dùng nhiều nguồn lực nhất là đầu tư vào kết cấu hạ tầng sẽ tác động lan tỏa đến tất cả các yếu tố như cung cấp vật tư, vật liệu, máy móc, thiết bị, nguồn nhân lực… Cả hai chính sách sẽ tác động vào cả “cung” và “cầu”, tạo nên hiệu ứng cộng hưởng giúp tăng sự “sôi động” của nề kinh tế sau một thời gian bị chìm lắng do dịch bệnh.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm
Ảnh:quochoi.vn

- Vậy đâu là thách thức trong triển khai Chương trình này, thưa ông?

Đầu tiên là thách thức về bảo đảm các cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Cụ thể như vấn đề nợ công, nợ Chính phủ, đặc biệt yếu tố lạm phát. Nợ công của chúng ta mặc dù được đánh giá là dưới trần. Tuy nhiên, năm vừa rồi chúng ta đã điều chỉnh quy mô GDP, cho nên nếu so với quy mô GDP cũ thì tỉ lệ này cũng không phải là thấp. Trách nhiệm trả nợ của Chính phủ trong một số giai đoạn, một số thời điểm theo tính toán thì vượt trần quy định 25% do Quốc hội đã đặt ra. Hay yếu tố lạm phát cũng luôn luôn là nỗi lo thường trực. Thực tế kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới đã triển khai thời gian qua cho thấy một số nước sau khi tung ra các gói hỗ trợ thì lập tức lạm phát không kiểm soát được và tỷ lệ lạm phát rất cao, tác động rất lớn cho tăng trưởng phát triển. Đồng thời, ngay sau khi tung các gói hỗ trợ, các nước  lại phải có các giải pháp để kiềm chế.

Thứ hai, theo tôi đó là nợ xấu ngân hàng. Nếu như chúng ta triển khai gói hộ trợ không tốt cũng sẽ có nguy cơ phát sinh nợ xấu, giống như “các cục máu đông” làm tắc nghẽn mạch máu của nền kinh tế. Theo đánh giá của một số cơ quan chuyên môn, thực tế nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay được đánh giá là cao hơn so với các chỉ số đã thông báo. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này sẽ làm tăng nguy cơ gây đổ vỡ nền kinh tế.

Thứ ba, đây là gói tiền tệ rất lớn, vì vậy, nguy cơ thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng cũng có thể xảy ra. Nếu như không quan tâm, giải quyết vấn đề này sẽ gây ra hệ lụy rất nặng nề.

 - Các doanh nghiệp cần phải làm gì để hấp thụ tốt nhất các chính sách hỗ trợ trong Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội, thưa ông?

Theo tôi, các doanh nghiệp cần phải đánh giá tác động của các chính sách, các gói hỗ trợ để xác định các lĩnh vực, những khu vực được hưởng lợi trực tiếp, các khu vực được lan tỏa, cùng với đó đánh giá, dự báo tình hình của thị trường trong nước, thị trường quốc tế, đặc biệt là phải căn cứ vào tín hiệu của thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, tận dụng những cơ hội, tác động của gói hỗ trợ. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào năng lực mỗi doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp cần phải xây dựng kế hoạch kinh doanh, tính toán một cách căn cơ, bài bản, lâu dài.

Tôi cho rằng, đây là giai đoạn mang tính chất quyết định trong chuyển đổi của nền kinh tế cũng như mỗi doanh nghiệp. Mặc dù nó tạo ra các thách thức nhưng đồng thời cũng tạo ra những cơ hội. Chúng ta đã thấy, thời gian qua tất cả những doanh nghiệp tồn tại được, thậm chí phát triển được đều là những doanh nghiệp tiếp cận được chuyển đổi số. Xu thế kinh doanh trong môi trường kinh tế số đã là một xu thế rõ nét và chuyển đổi số sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng tiếp cận thị trường, tiếp cận các nguồn lực một cách thuận lợi, một cách rộng mở. Vì vậy, những doanh nghiệp nào tận dụng được cơ hội trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng được xu thế của tương lai thì doanh nghiệp đấy sẽ tồn tại và phát triển một cách mạnh mẽ, bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

Xuân Tùng

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP