Tuyên truyền hiệu quả, thiết thực
Kiên Giang là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển cả nước, có diện tích vùng biển 63.290km2, với đường bờ biển dài hơn 200km; hơn 143 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 43 đảo có dân cư sinh sống. Đây là một trong 4 ngư trường trọng điểm đánh bắt hải sản của cả nước.
Thời gian qua, cùng với các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Kiên Giang đã tập trung triển khai các giải pháp ngăn chặn, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU). Nỗ lực này không chỉ cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) mà còn giúp tỉnh Kiên Giang tổ chức lại nghề cá minh bạch, phát triển bền vững hơn.
Theo Chính uỷ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kiên Giang, Đại tá Hùynh Văn Đông, mới đây, UBND tỉnh đã giao cho Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tập trung vào nhóm đối tượng, tàu cá có "nguy cơ cao" vi phạm khai thác IUU. Đặc biệt vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác bất hợp pháp.
Ngày sau đó, đơn vị tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2024. Qua tham dự hội nghị, ông Danh Bé cho biết, bản thân ông từng tham gia nhiều hội nghị cung cấp thông tin, nhưng lần này ông cảm thấy ấn tượng với cách tuyên truyền, được cấp tài liệu hình ảnh đẹp, câu từ rất dễ nhớ.
Ông Danh Tha, Phó Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, với sự phối hợp của BĐBP tỉnh, hai cơ quan đã tổ chức cung cấp thông tin và tuyên truyền IUU cho tất cả các vị là người có uy tín của tỉnh Kiên Giang. Tại hội nghị, BĐBP đã trao 1.000 tờ rơi, tờ gấp; 570 tài liệu, thư kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về chống khai thác IUU; trao 285 cờ Tổ quốc cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc chống khai thác IUU
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chia sẻ: “Phải xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trước hết là người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị và địa phương có trách nhiệm trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ với quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC trong năm 2024 và duy trì kết quả bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo; tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao với các nước”.
Ngày 5.6, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ký, ban hành Kế hoạch 182, giao cụ thể cho từng sở, ngành, lãnh đạo các huyện, thành phố thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), phối hợp với các đơn vị liên quan tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các tàu cá trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm, triệt để theo quy định của pháp luật tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản...
Bảo đảm 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên ra vào cảng (kể cả cảng cá, bến cá tư nhân), xuất nhập bến phải có đầy đủ giấy tờ, có lắp đặt thiết bị VMS trên tàu...
Đối với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu phải bảo đảm kiểm tra 100% tàu cá xuất, nhập trạm kiểm soát Biên phòng phải có đầy đủ giấy tờ, có lắp đặt thiết bị VMS và hoạt động bình thường.
Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố, chủ động theo dõi, nắm tình hình, kịp thời phát hiện, củng cố hồ sơ, phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án đưa ra truy tố, xét xử nghiêm các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Kiên Giang đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hợp thức hóa hồ sơ cho các lô hàng xuất khẩu...
Ngoài ra, Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang còn giao Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan và Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, tích cực nắm thông tin tàu cá, ngư dân Kiên Giang bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; kịp thời thu thập hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, bản án, quyết định xử lý của nước sở tại để phục vụ công tác điều tra, xử lý và bảo hộ công dân.
Ngày 29.1.2024, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang tuyên án 4 bị cáo trong vụ án tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép để đưa tàu cá qua vùng biển nước khác đánh bắt hải sản trái phép vi phạm quy tắc IUU.
Theo đó, Tòa tuyên phạt bị cáo Trần Văn Luyến (43 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) 8 năm tù giam; Phạm Chí Dũng (59 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) 7 năm tù giam; Trần Minh Tâm (40 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) 7 năm tù giam và Trần Văn Nhựt (37 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) 1 năm tù giam.