Theo thống kê tại Kiến nghị số 29/KN-VKSTC ngày 2.2 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, kiến nghị về vi phạm trong thi hành án (THA) hành chính, hiện nay tỉnh Kiên Giang còn 58 bản án chưa thi hành xong, kéo dài qua nhiều năm. Có bản án từ năm 2016, 2017, 2018; trong đó, người phải THA là Chủ tịch UBND và UBND tỉnh, Chủ tịch UBND và UBND TP. Phú Quốc, TP. Rạch Giá, Hòn Đất, huyện Châu Thành, huyện Kiên Lương.
Liên quan đến nội dung nêu trên, nhiều cử tri trên địa bàn tỉnh Kiên Giang quan tâm. Và mới đây, tại Kỳ hợp thứ 24 (tổ chức vào ngày 17-18.7), HĐND tỉnh Kiên Giang Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Phượng (đơn vị huyện Kiên Lương), chất vấn nội dung này.
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Vũ cho biết, đến nay, đơn vị đã thi hành xong 14 bản án; trong đó: 4 vụ, người phải thi hành án là Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang; 8 vụ, người phải thi hành án là UBND TP. Phú Quốc; 2 vụ còn lại người phải thi hành án là UBND huyện Kiên Lương và UBND huyện Châu Thành.
Hiện còn 44 vụ chưa thi hành xong; trong đó 42 vụ, người phải thi hành án là Chủ tịch, UBND TP. Phú Quốc, 1 vụ người phải thi hành án là UBND TP. Rạch Giá và vụ còn lại người phải thi hành án là UBND huyện Hòn Đất.
Cục trưởng Cục THADS tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Vũ cho biết: “Do án hành chính chủ yếu là chủ tịch, UBND TP. Phú Quốc nên hàng quý Cục THADS tỉnh Kiên Giang đều tổ chức họp cập nhật kết quả THA. Với vụ việc tại Hòn Đất, Rạch Giá, Châu Thành, Cục THADS tỉnh cũng tổ chức làm việc, yêu cầu báo cáo tiến độ thi hành án”.
Về nguyên nhân án hành chính tồn đọng nhiều, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Kiên Giang cho biết, các cơ quan chuyên môn được Chủ tịch UBND phân công chậm tổ chức thực hiện theo sự chỉ đạo. Nhiều vụ việc khó khăn, vướng mắc phải báo cáo xin ý kiến cấp trên hoặc chờ ban hành cơ chế chính sách dẫn đến kéo dài thời gian THA.
Việc THA hành chính hiện nay thực hiện theo cơ chế tự thi hành, do việc THA hành chính có nhiều vụ việc khác nhau về nội dung, cách thức tổ chức, áp dụng quy định pháp luật nên các cơ quan chuyên môn còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, nguyên nhân khách quan là những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội tại tỉnh Kiên Giang, đặc biệt là TP. Phú Quốc phát triển mạnh, có nhiều nhà đầu tư dự án lớn, các cơ quan chuyên môn TP. Phú Quốc hàng năm tham mưu UBND TP. Phú Quốc ban hành hàng nghìn quyết định hành chính. Do đó, không tránh khỏi thiếu sót, quyết định sai bị khởi kiện ra tòa án; tòa tuyên hủy quyết định thu hồi đất… trong khi đất đã giao cho chủ đầu tư. Khi đó, cơ quan liên quan phải làm lại từ đầu nên mất nhiều thời gian.
Liên quan đến xử lý trách nhiệm, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Kiên Giang thông tin, đến nay chưa ai bị xử lý. Tuy nhiên, đơn vị đã có công văn kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với việc chậm THA của người phải THA.
Ngoài ra, trong quá trình tổ chức thi hành án, Bộ Tư pháp đã làm việc một lần trực tiếp và một lần trực tuyến; Tổng cục THADS đã làm việc trực tiếp với Cục THADS tỉnh Kiên Giang về các vấn đề trên.
Cục THADS tỉnh Kiên Giang thông tin thêm, 6 tháng đầu năm 2024, TAND các cấp đã chuyển giao đến Cơ quan THADS tỉnh Kiên Giang 155 bản án, quyết định: có 102 bản án, quyết định có nội dung không chấp nhận yêu cầu khởi kiện; 33 bản án có nội dung chấp nhận (một phần hoặc toàn bộ) yêu cầu khởi kiện; 20 quyết định buộc THA hành chính.
Cục THADS tỉnh Kiên Giang thực hiện theo dõi 95 vụ, trong đó kỳ trước chuyển sang là 62 vụ, trong kỳ báo cáo là 33 việc. Kết quả theo dõi có 14 việc thi hành xong, 1 vụ hủy án, tạm đình chỉ 1 vụ, chưa thi hành xong 79 vụ.