Không tăng thuế thuốc lá, Việt Nam khó đạt mục tiêu phát triển bền vững

Việt Nam cam kết đến 2030 sẽ giảm 30% tỷ lệ hút thuốc so với năm 2015, tức giảm còn 32% ở người trưởng thành. Không tăng thuế thuốc lá sẽ khó đạt mục tiêu này, theo chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới.

Thiệt hại hơn 4 tỷ USD/năm do thuốc lá

Ngày 31.1, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức chương trình tập huấn "Các kịch bản điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam".

Không tăng thuế thuốc lá, Việt Nam khó đạt mục tiêu phát triển bền vững -0
ThS. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm chia sẻ tại sự kiện ngày 31.1.

Tại sự kiện, ThS. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm, thuốc lá gây ra hơn 8 triệu ca tử vong, chiếm khoảng 14% tổng số ca tử vong trên phạm vi toàn cầu, trong đó có 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động.

Tổn thất do thuốc lá gây ra cho toàn thế giới vào khoảng 1.400 tỷ USD, tương đương 1,8% GDP toàn cầu. Trong đó, làm mất 1,4% rừng; gây 10% số vụ cháy; tổn phí y tế 6 – 15%; giảm ngân sách 5 – 10% của các hộ nghèo; thuốc lá cũng làm giảm chi tiêu cho thực phẩm và giáo dục…

Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, dự báo đến 2030 sẽ tăng lên 70.000 người nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Năm 2022, thiệt hại do thuốc lá gây ra khoảng 4,5 tỷ USD cho Việt Nam, tương đương hơn 1,1% GDP.

Nên có lộ trình tăng thuế

Để giảm tỷ lệ hút thuốc lá, WHO cho rằng, thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất.

Theo đó, nếu giá tăng 10% sẽ giảm tiêu thụ 4% ở các nước phát triển và giảm 5% ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình; khoảng một nửa hiệu quả là giảm lượng và một nửa là bỏ hoặc không bắt đầu hút thuốc. Về lâu dài, hiệu quả có thể còn lớn hơn.

WHO khuyến cáo, mức thuế thuốc lá tối ưu nên chiếm 75% giá bán lẻ, mức trung bình của thế giới hiện là trên 61%.

Tuy nhiên, ở Việt Nam mức thuế này được tính là 75% giá xuất xưởng, quy đổi sang giá bán lẻ chỉ tương đương 38%, là mức thấp thứ ba trong khu vực ASEAN, chỉ cao hơn Campuchia (25 – 31,1%) và Lào (18,8%). Các nước như Thái Lan có mức thuế thuốc lá là 78,6% giá bán lẻ, Philippines là 71,3%, Malaysia 58,6%...

Bởi thuế thấp nên giá bán thuốc lá ở nước ta cũng thấp. Giá của nhãn hiệu thuốc lá phổ biến nhất trong năm 2020 (theo sức mua ngang giá - PPP) chỉ là 2,82 USD, trong khi Singapore hơn 16 USD, Philippines hơn 4 USD…

So sánh với thu nhập, mức thu nhập của người dân Việt Nam tăng nhanh hơn nhiều so với giá sản phẩm thuốc lá. Theo đó, nếu như năm 2010, thu nhập là 31,5 triệu đồng/người thì đến 2022 tăng lên 95,6 triệu đồng, tức tăng hơn 3 lần; trong khi đó, giá thuốc lá chỉ tăng từ 14.000 đồng/bao lên 22.000 đồng/bao, tương ứng khoảng 60%. Hệ quả là, việc tiếp cận thuốc lá với người dân khá dễ dàng, chuyên gia của WHO bình luận.

Cũng theo ông Lâm, vì lẽ đó nên tác động của các lần tăng thu thuế thuốc lá là không nhiều và không duy trì được tác động. Theo đó, mức thuế tăng 2006 – 2008 chỉ giảm sản lượng trong một năm. Mức thuế tăng 2016 – 2019 cũng không duy trì tác động, tổng sản lượng vẫn tăng nhờ xuất khẩu.

Không tăng thuế thuốc lá, Việt Nam khó đạt mục tiêu phát triển bền vững -0
Ảnh minh họa ITN

Từ những phân tích trên, chuyên gia của WHO lo ngại, Việt Nam sẽ khó đạt được mục tiêu phát triển bền vững (SGD) 2030.

“Năm 2010, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành là 47% thì đến 2021 giảm còn 41%. Việt Nam cam kết mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đến 2030 sẽ giảm 30% tỷ lệ hút thuốc so với năm 2015, tức giảm còn 32% ở người trưởng thành. Như vậy, nếu không tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá sẽ khó đạt được mục tiêu này”, ông Lâm phát biểu.

Dẫn kinh nghiệm của Thái Lan, chuyên gia cho biết, họ tăng thuế đều đặn qua các năm, nhờ đó tỷ lệ hút thuốc lá đã giảm từ 31% xuống còn 19%; thu ngân sách từ thuốc lá khoảng 2 tỷ USD/năm.

Hay tại Philippines, nhờ tăng thuế thuốc lá từ 300% - 600% tùy loại đã giúp nước này tăng thu ngân sách từ 680 triệu USD vào năm 2012 lên 2,9 tỷ USD năm 2021; tỷ lệ hút thuốc cũng giảm xuống còn 19,5%, đạt được mục tiêu SGD.

Chuyên gia đề xuất, khi sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Việt Nam nên xem xét điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá theo lộ trình từ nay đến 2030 để tiệm cận khuyến cáo của WHO lên 75%. Sau 2030 sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách thuế.

“Việt Nam có thể đạt được ở mức giảm tỷ lệ hút thuốc xuống 36% là khả thi, phù hợp với Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Song, để đạt mục tiêu SDG, Việt Nam cần có thêm các biện pháp khác như tăng kích cỡ cảnh báo, tăng cường thực thi tốt hơn môi trường không khói thuốc, truyền thông mạnh hơn, tăng cường các biện pháp hỗ trợ cai nghiện thuốc lá…”, ThS, Bác sĩ Nguyến Tuấn Lâm đề xuất.

Xã hội

Được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động thất nghiệp sẽ giảm, đồng nghĩa với việc cơ hội có việc làm của người lao động sẽ tăng lên. Ảnh: VGP
Đời sống

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm

Cục Thống kê đã có báo cáo về tình hình lao động, việc làm quý I.2025. Theo đó, so với quý trước, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ tăng 0,2 điểm phần trăm; tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng 0,7 điểm phần trăm; thu nhập bình quân của lao động tăng và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm…

Tháo gỡ nguồn vốn sẽ tạo việc làm bền vững
Xã hội

Tháo gỡ nguồn vốn sẽ tạo việc làm bền vững

Hiện nay, việc tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động được tiếp cận nguồn vay để tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi qua nguồn vốn vay sẽ tạo việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, “giảm tải” cho Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, giúp người lao động duy trì, ổn định công việc, nâng cao chất lượng đời sống người dân. 

Hà Tĩnh: Nhiều tuyến đường kết nối với Khu kinh tế Vũng Áng xuống cấp nghiêm trọng
Xã hội

Hà Tĩnh: Nhiều tuyến đường kết nối với Khu kinh tế Vũng Áng xuống cấp nghiêm trọng

Khu kinh tế Vũng Áng của tỉnh Hà Tĩnh được xem là đầu tàu phát triển công nghiệp, là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của tỉnh này. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng nhanh chóng của các dự án công nghiệp, hạ tầng giao thông tại đây đang rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và an toàn của người dân.

TP. Hồ Chí Minh: Thanh tra 19 đơn vị đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế
Đời sống

TP. Hồ Chí Minh: Thanh tra 19 đơn vị đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế

Đoàn Thanh tra chuyên ngành của Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa công bố Quyết định thanh tra số 07/QĐ-BHXH ngày 21.3.2025 về việc thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Vietnam Airlines vận chuyển gần 30 tấn hàng cứu trợ đến Myanmar
Đời sống

Vietnam Airlines vận chuyển gần 30 tấn hàng cứu trợ đến Myanmar

Chuyến bay mang số hiệu VN9711 của Vietnam Airlines cất cánh tại sân bay Nội Bài lúc 13h00 ngày 8.4, vận chuyển gần 30 tấn hàng hóa cứu trợ đến Myanmar. Đây là lô hàng do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam gửi sang Myanmar nhằm giúp đỡ nước bạn vượt qua hậu quả thảm họa động đất nghiêm trọng vừa xảy ra.

Gói thầu hơn 1.558 tỷ đồng thuộc dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu thực hiện thế nào?
Xã hội

Gói thầu hơn 1.558 tỷ đồng thuộc dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu thực hiện thế nào?

Sau hai lần tổ chức đấu thầu, gói thầu xây lắp hơn 1.558 tỷ đồng thuộc dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã xác định được nhà thầu trúng. Nguyên nhân là liên danh đối thủ bị loại vì hồ sơ thiết bị và nhân sự chủ chốt không đáp ứng yêu cầu, khiến tính cạnh tranh gần như không còn.

Hơn 90% người dân cho rằng không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu
Xã hội

Hơn 90% người dân cho rằng không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu

Có 90,06% người dân cho rằng không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu. Đây là con số được nêu ra trong Báo cáo của Bộ Nội vụ về Kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 (SIPAS 2024) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2024).