Kiểm kê thử nghiệm để hoàn thành các biểu mẫu, chỉ tiêu
Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính, kiểm kê tài sản là công việc thường xuyên, hàng năm của các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, công tác tổng kiểm kê tài sản công trên cả nước được thực hiện lần gần nhất từ ngày 1.1.1998, đến nay đã là 26 năm và cũng chỉ thực hiện trong khu hành chính sự nghiệp.
Năm 2022, Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Sau giám sát, Quốc hội ban hành Nghị quyết 72/2022/QH15 đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ trước năm 2025 phải hoàn thành việc tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý. Vì vậy, đợt tổng kiểm kê lần này được mở rộng đối với loại tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư quản lý theo đúng yêu cầu của Quốc hội, ông Thịnh cho biết.
Để tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước quản lý, ngày 28.3.2023, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg, đề nghị các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý, khai thác, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng; khẩn trương hoàn thành việc rà soát, giao quản lý tài sản, kế toán tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý; nhập và chuẩn hóa dữ liệu tài sản kết cấu hạ tầng vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản kết cấu hạ tầng. Đồng thời, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 213/QĐ-TTg ngày 1.3.2024 phê duyệt Đề án Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý. Dự kiến hoàn thành việc kiểm kê vào tháng 7.2025.
Ông Thịnh cho biết, qua rà soát các văn bản pháp luật liên quan, làm việc với các bộ quản lý chuyên ngành, xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã lựa chọn 18 loại tài sản kết cấu hạ tầng làm đối tượng kiểm kê, báo cáo Chính phủ phê duyệt Đề án kèm theo Quyết định số 213/QĐ-TTg. Với đối tượng rộng như vậy, để bảo đảm việc kiểm kê chính thức được thành công, Bộ Tài chính quyết định tổ chức kiểm kê thử nghiệm tại một số bộ, ngành và địa phương. Mục đích là tập dượt cách thức thực hiện công tác kiểm kê trước khi triển khai trên diện rộng, góp phần hoàn thiện các biểu mẫu và chỉ tiêu kiểm kê.
Kho bạc Nhà nước sẽ triển khai ngay sau khi tập huấn
Vì nhiều lý do, KBNN là một trong những đơn vị được lựa chọn để thực hiện kiểm kê thử nghiệm lần này. Đầu tiên, KBNN là hệ thống dọc (từ cấp huyện, cấp tỉnh đến cấp trung ương) trong khi Bộ Tài chính cũng muốn có kinh nghiệm từ việc xử lý các vấn đề liên quan đến các hệ thống được tổ chức theo ngành dọc (cho khoảng 10 đơn vị có ngành dọc trong cả nước thời gian tới).
Đặc biệt, KBNN đã có 5 năm kinh nghiệm xây dựng Báo cáo tài chính nhà nước, trong đó có phần liên quan đến tài sản công nói chung, tài sản trong các đơn vị hành chính sự nghiệp và tài sản kết cấu hạ tầng nói riêng. Bản thân KBNN cũng có nhu cầu sử dụng số liệu liên quan đến tổng kiểm kê tài sản công của các bộ, ngành, địa phương để phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo tài chính nhà nước.
Để thực hiện thành công việc kiểm kê thử nghiệm tài sản công, mới đây, KBNN đã phối hợp với Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tập huấn công tác này tại trụ sở KBNN và 7 điểm cầu KBNN địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cà Mau, Sơn La, Hà Giang, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc KBNN cho biết, Ban lãnh đạo KBNN đã đề nghị các đơn vị trực thuộc hệ thống nghiên cứu các mẫu biểu, yêu cầu về kiểm kê theo các quy định của Đề án Tổng kiểm kê tài sản công để triển khai ngay việc kiểm kê thử nghiệm sau khi kết thúc hội nghị này. Đồng thời, KBNN cũng yêu cầu các đơn vị rà soát toàn bộ các tài sản của đơn vị về nguyên giá, giá trị còn lại, thông tin cơ bản của tài sản và nghiêm chỉnh chấp hành đầy đủ, chính xác, đúng thời gian theo quy định các loại báo cáo theo yêu cầu.
Đợt kiểm kê này - ngoài việc đạt được mục tiêu đề ra, KBNN sẽ kịp thời phản ánh các khó khăn, vướng mắc cũng như các kiến nghị đề xuất để hoàn thiện các mẫu biểu kiểm kê. Đây là cơ sở để Bộ Tài chính hoàn thiện các hướng dẫn mẫu biểu báo cáo kiểm kê theo quy định của Chính phủ.