
Song song với chiều dài lịch sử lâu đời của Trung Hoa, việc sử dụng diều đã dần được thay đổi với nhiều loại hình đa dạng và nhiều mục đích khác nhau. Theo sử sách ghi lại, chiếc diều đầu tiên được dùng trong lĩnh vực quân sự. Tuy nhiên, vào giữa đời nhà Đường (618-907), khi đất nước ổn định và yên bình, diều được chuyển sang mục đích giải trí. Cùng với việc phát minh ra giấy, người Trung Quốc đã đần chuyển sang làm diều giấy thay vì lụa. Diều trở nên phổ biến trong dân chúng với các kiểu dáng đa dạng, và thú chơi nghệ thuật này rất thịnh vượng vào đời nhà Tống (960-1279). Hơn nữa, việc kết hợp với văn chương, công việc làm diều và trang trí diều phát triển vượt bậc bởi thời đó các nhà văn tự làm diều để tặng người thân và bạn bè, coi đó là cách theo đuổi văn chương. Đời nhà Minh (1368-1644) và nhà Thanh là giai đoạn đỉnh cao của diều Trung Quốc, với những phát triển rất mạnh về kích cỡ, kiểu mẫu, trang trí và kỹ thuật thả.

Kỹ thuật làm diều được tiến hành theo bốn bước chính, đó là tạo hình, dán giấy, vẽ màu và thả diều. Việc tạo hình bao gồm chọn tre, vót, uốn rồi khớp các thanh tre vào với nhau. Sau đó là dán giấy. Công việc này bao gồm chọn lựa vật liệu, cắt giấy, dán giấy và sau đó chỉnh sửa thêm bớt khi cần. Tiếp theo là vẽ lên diều để biến chúng thành những tác phẩm mang tính hội họa, trang trí. Và cuối cùng là thả, bao gồm các công việc chọn vị trí, thời tiết, chọn loại diều, điều chỉnh dây và kiểm soát diều. Để hoàn thiện một chiếc diều ưng ý, điều đầu tiên quan trọng là phải lựa chọn đúng loại tre sử dụng làm khung. Đoạn tre này phải đủ dày và dẻo dai, nhất là chịu được áp lực gió nếu làm diều có kích cỡ lớn. Thứ hai, sử dụng giấy thông thường hoặc lụa để che phần khung. Thứ ba, vẽ lên diều được hoàn thành theo từng kiểu cách, trí tưởng tượng của nghệ sỹ.

Bằng kỹ thuật làm diều khéo léo với các chất liệu thủ công nêu trên, người Trung Hoa sáng tạo ra bốn loại diều tiêu biểu: diều dẹt, diều cánh cứng, diều cánh mềm và diều chân rết. Diều dẹt được dựng trên một mặt phẳng và được làm từ khung tre rất cứng. Trụ được dựng lên từ bốn phía của khung và được gắn đuôi dài để bay ổn định. Diều dẹt được phỏng theo mô típ thần thoại cổ xưa, theo những ý tưởng tôn giáo thường là hình ảnh âm-dương hay bát quái. Diều cánh cứng được làm từ hai mảnh tre gắn vào khung hình chữ nhật, rồi được dán giấy hoặc lụa thành hình tam giác để đón gió. Diều cánh mềm được làm từ một đoạn tre, cánh có các vầng phía trên cứng chắc, phần dưới của cánh rất mềm mại và dễ uốn để diều bay trong không khí nhẹ nhàng và uyển chuyển. Thông thường loại diều này có hơn hai cặp cánh, xếp đôi này trên đôi kia giống như hình ảnh những chú chim, côn trùng, cá... Diều chân rết là một chuỗi các còn diều kết vào nhau gồm đầu rồng và mình rồng được xếp cân đối. Loại diều này có sức kéo không khí rất lớn, hình ảnh rực rỡ và lôi cuốn.

Nghệ thuật điều Trung Quốc không ngừng phát triển cùng với bề dày truyền thống văn hóa nước này. Từng loại nghệ thuật diều có thế mạnh riêng trong từng giai đoạn lịch sử và có mối quan hệ mật thiết với nhạc, khiêu vũ, kịch, tục lệ và tôn giáo của từng địa phương. Nhìn chung, có sáu phong cách diều tiêu biểu, đó là diều Bắc Kinh, diều Duy Phường, diều Đài Loan, diều Nam Thông, diều Thiên Kim và diều Giang Nam. Nói đến diều Bắc Kinh, người ta hình dung ra các loại bao gồm Én sa, cánh cứng, cánh mềm, đôi én, diều thuyền, diều cụm và diều hộp. Chúng làm say mê lòng người bởi những đặc điểm như khung mảnh, vẽ màu chính xác, tự nhiên và thanh nhã. Còn diều Duy Phường hội tụ đầy đủ phong tục dân gian, kếp hợp được những cái ưu việt nhất của các loại diều khác. Với diều Đài loan, sự nổi trội lại đến từ kết cấu cánh mềm, mô phỏng một phần vẻ đẹp trong thiên nhiên, như con quay, rồng, hạt hồi, đại bàng, bướm, cá vàng, song ngư, chim yến, mòng biển hay đèn trời. Riêng diều Nam Thông lại được gắn thêm sáo, khi tung bay trên bầu trời phát ra những âm thanh như bản giao hưởng trên không trung. Hai loại diều còn lại là Thiên Kim và Giang Nam cũng mang những đặc điểm riêng của chúng, mà chủ yếu là kỹ thuật làm diều và hình họa cho con diều.
Ngày nay, nghệ thuật diều Trung Quốc được phổ biến, thừa kế và phát triển ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam. Thả diều là một trò chơi thú vị, hấp dẫn, có từ lâu đời. Hơn thế nữa, diều còn là một phong tục cổ truyền có nhiều ý nghĩa sâu xa của Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung. Dẫu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đã lấy đi phần nhiều “đất” và cả thời gian làm và chơi diều, nhưng không vì thế mà nghệ thuật diều bị mai một. Trung Quốc và các quốc gia khác vẫn tổ chức các lớp học về diều cho rất nhiều học viên tham gia và hàng năm các lễ hội thả diều được tổ chức với quy mô lớn, mang tính chất quốc tế.