Nỗ lực hơn trong nghiên cứu, nhận diện, đánh giá
Tại Hội thảo “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” diễn ra ngày 21.3, PGS.TS Lê Quý Đức, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Thăng Long - Hà Nội đã xây dựng, bảo tồn được một nguồn tài sản văn hóa vật thể to lớn và vô cùng quý giá. Đó là các khu di tích thành quách, công trình tôn giáo, công trình văn hóa, cảnh quan, thắng cảnh, phố cổ, làng cổ. Tính đến nay Hà Nội có 2.435 di tích được xếp hạng các cấp, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia…
Cùng với đó, Hà Nội có nguồn lực lớn về di sản văn hóa phi vật thể cũng như nguồn lực về con người. Nhìn nhận văn hóa từ góc nhìn phát triển đô thị, GS.TS Trương Quang Hải cho rằng, Hà Nội là thành phố có sông Hồng chảy qua, có hệ thống giao thông phát triển, có nhiều di tích ven sông... Với điều kiện đặc thù thiên nhiên, địa hình thuận lợi, Hà Nội là nơi hội tụ nhân tài, kết tinh, lan tỏa văn hóa của cả nước.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định: Hà Nội từ sau mở rộng địa giới năm 2008 đã là đô thị có diện tích lớn nhất nước, đô thị có quá trình phát triển lâu dài, là nơi quy tụ quỹ di sản đô thị đa dạng và lớn nhất nước về số lượng. Di sản văn hóa vật thể của thủ đô rất phong phú, từ di sản được thế giới công nhận, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp thành phố... phân bố trên cả địa bàn đa dạng về niên đại, về hình thức kiến trúc, cảnh quan, về bố cục trong quần thể di sản cũng như di sản đơn lẻ.
"Đến nay, công bố về quỹ di sản đã thể hiện cố gắng lớn của cả quá trình đã qua, song đây chưa phải là đích đến cuối cùng mà còn cần nỗ lực hơn nữa trong nghiên cứu nhận diện đánh giá trong quy hoạch giai đoạn tới và có giải pháp để tạo hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị nhất là với các khu vực cải tạo, tái thiết, khu vực phát triển đô thị” - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.
Xây dựng thương hiệu, phát triển kinh tế - xã hội
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, mặc dù nguồn lực văn hóa ở thủ đô Hà Nội hiện nay rất giàu có, đa dạng nhưng chủ yếu ở dạng tiềm năng, nếu không kết nối với sáng tạo, sản xuất nhằm tạo nên các giá trị thặng dư thì không thể phát huy được vai trò, vị thế của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội thủ đô. Để phát huy hiệu quả các giá trị của thủ đô di sản, tạo thương hiệu cho riêng mình, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn góp ý, Hà Nội cần chọn lọc những di sản văn hóa tiêu biểu để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa có tính chất quảng bá hình ảnh, thương hiệu của thủ đô.
“UBND thành phố và Sở Du lịch Hà Nội cần đưa ra quy hoạch, chiến lược phát triển loại hình du lịch sinh thái và nhân văn. Sự phát triển du lịch tác động trực tiếp và gián tiếp đến việc chấn hưng và bảo tồn các di sản văn hóa. Củng cố, mở rộng các tuyến tham quan dựa trên việc khai thác các giá trị của di sản; du lịch di sản văn hóa, lịch sử: di sản Hoàng thành, Cột cờ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Thánh, đền Ngọc Sơn...; du lịch làng nghề, phố nghề, lễ hội, ẩm thực: phố đi bộ khu vực hồ Gươm, các phố nghề Hàng Bông - Hàng Gai, Hàng Ngang - Hàng Đào, Hàng Bạc, Lãn Ông...; khu phố ẩm thực Hà Nội, nhà cổ, lễ nghi truyền thống gia đình tại Nghi Tàm - Quảng Bá; làng đúc đồng Ngũ Xã, làng gốm Bát Tràng...; thăm quan các loại hình nghệ thuật truyền thống: ca trù, múa rối nước, chầu văn...”, GS. TS Hoàng Anh Tuấn thông tin.
Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, PGS. TS Đặng Văn Bài đề xuất: để tạo lập sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển trên địa bàn thủ đô, UBND thành phố cần quan tâm nghiên cứu và thể nghiệm mô hình hợp tác công - tư trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững. Tăng cường đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố. Đào tạo, nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý di sản văn hóa và du lịch của thành phố để tạo cơ hội thuận lợi nhất cho phát triển công nghiệp văn hóa - mũi nhọn kinh tế mà Hà Nội có nhiều lợi thế và tiềm năng so với các địa phương khác trong cả nước. Ưu tiên phát triển hình thức du lịch cộng đồng để bảo tồn di sản văn hóa, tạo sinh kế thông qua các dịch vụ văn hóa do cộng đồng tự sáng tạo và quản lý.
Thực tế những năm gần đây, Hà Nội đã quan tâm nhiều đến hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Theo chia sẻ của Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, PGS. TS Phạm Thị Thu Hương, không nhiều địa phương đầu tư lên tới 14.000 tỷ đồng để tu bổ văn hóa, đó mới chỉ là nguồn lực từ phía Nhà nước và bảo tồn văn hóa theo hướng truyền thống; bà Hương mong muốn, mỗi thiết chế văn hóa truyền thống phải trở thành không gian sáng tạo. “Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã làm được nhưng tôi muốn nhiều di tích hơn nữa trở thành không gian sáng tạo”.
PGS. TS Phạm Thị Thu Hương khẳng định: Hà Nội có thể thực hiện được sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa. Trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển thủ đô. Đó là một mục tiêu lớn và khó, đòi hỏi không chỉ sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân đang sinh sống, làm việc tại thủ đô thông qua những hành vi ứng xử mỗi ngày nhằm chung tay xây dựng Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, một điểm đến đáng đến, một thành phố đáng sống.