Thành phố thực hiện khá toàn diện, hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII; một năm tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chương trình, kế hoạch trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố.
“Có thể khẳng định, năm 2023, thành phố đã thực hiện khá toàn diện, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6.1.2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, thành phố đã cố gắng thực hiện nhiều công việc quan trọng mang tính chiến lược, dài hơi để tạo tiền đề cho sự phát triển của Thủ đô giai đoạn tới, như: Sửa đổi Luật Thủ đô (2012); đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực; triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; triển khai quyết liệt các công việc để thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các dự án trọng điểm của thành phố; thực hiện Đề án về phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan, các cấp chính quyền thuộc thành phố...”, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng nhận định.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước cũng như thành phố Hà Nội đang phải đương đầu với nhiều vấn đề lớn, dự báo nhiều khó khăn, thách thức; khả năng huy động nguồn lực cho phát triển là khó khăn; do đó, đòi hỏi cần nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình để đưa ra định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp và những quyết sách đúng và trúng, đưa Thủ đô phát triển bền vững trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và đầu tư công năm 2023 của thành phố; trong đó tập trung đánh giá kết quả thực hiện chủ đề năm 2023 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và sự cần thiết đề xuất tiếp tục thực hiện chủ đề này trong năm 2024; đồng thời, đánh giá các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chỉ ra các nguyên nhân, đề xuất các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế cả trước mắt và lâu dài.
Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị phân tích, dự báo và lượng hóa đầy đủ các yếu tố tác động và ảnh hưởng đến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố; tập trung thảo luận, thống nhất các chỉ tiêu, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế xã hội, tài chính ngân sách và đầu tư công, đảm bảo sát với thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá, tính hiệu quả, tính khoa học và tính khả thi cao; trong đó, đặc biệt chú trọng lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2024.
Ước thu ngân sách năm 2023 vượt dự toán Trung ương giao
Đối với Kế hoạch đầu tư công năm 2024, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu thảo luận kỹ, đưa ra các giải pháp đẩy nhanh việc giải ngân, bố trí đủ vốn cho các dự án, trong đó cần tập trung một số vấn đề như: Tính khả thi của nguồn vốn Kế hoạch đầu tư công năm 2024, nguồn vốn các dự án xây dựng cơ bản tập trung của thành phố, vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; các dự án chuyển tiếp, các dự án, công trình trọng điểm, các chương trình phát triển kinh tế vùng dân tộc miền núi, y tế, giáo dục, nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, các dự án dân sinh bức xúc…
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các nội dung Ban Cán sự đảng UBND thành phố trình trong phương án cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, đồng thời rà soát, đánh giá lại tính khả thi của các dự án trong kế hoạch trung hạn chưa triển khai để đề xuất giải pháp cắt giảm, điều chuyển vốn trung hạn, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của thành phố, khắc phục cho được tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian vừa qua.
Đối với dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2024-2026, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, về tổng thể, ước thu ngân sách năm 2023 của Hà Nội vượt dự toán Trung ương giao; song, các khoản thu về nhà, đất đạt thấp so với dự toán và giảm mạnh so với cùng kỳ, chủ yếu do nguồn thu phát sinh ít, đồng thời, công tác đấu giá đất gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, khoản thu tiền sử dụng đất dự toán năm 2024 dự kiến giao là 36.100 tỷ đồng, tăng 21.450 tỷ đồng (gấp 2,46 lần) so với ước thực hiện năm 2023 (năm 2023 giao là 17.000 tỷ đồng, ước thực hiện 14.650 tỷ đồng); gây áp lực cho cân đối thu chi của thành phố.
Để bảo đảm chủ động nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chi của thành phố, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận, đánh giá kỹ các yếu tố tác động, nhất là những khó khăn từ thị trường tài chính, khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, khả năng khai thác các nguồn lực trên địa bàn... để xây dựng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 và Kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2024-2026 sát thực tiễn, có tính khả thi cao, đảm bảo nguyên tắc cân đối thu, chi ngân sách nhà nước.
Bí thư Thành uỷ đề nghị đại biểu bàn kỹ các giải pháp về cơ cấu lại ngân sách thành phố một cách bền vững hơn; các giải pháp về quản lý và khai thác hiệu quả các nguồn lực từ thuế, phí, lệ phí, nguồn lực từ đất đai, tài sản công và các nguồn lực của xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; tận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù Trung ương cho phép áp dụng trên địa bàn thành phố…