Tại phiên họp, các sinh viên đã đóng vai Chủ tịch QH, các ĐBQH và trực tiếp trải nghiệm quy trình, thủ tục tiến hành một phiên họp toàn thể của QH như: thảo luận, xem xét báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường...
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết, sinh viên một số trường đại học tại Hà Nội nêu rõ, sinh viên là lực lượng lao động đã qua đào tạo, nhưng thống kê cho thấy hiện có khoảng 170 nghìn sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường. Thực tế này cho thấy còn nhiều hạn chế trong công tác đào tạo, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Do vậy, cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, trong đó, tập trung chính sách, nguồn lực cho việc giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Tăng cường cung cấp thông tin thị trường lao động cho thanh niên; phát triển hệ thống dịch vụ tư vấn định hướng nghề nghiệp và dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm tại địa phương, các cơ sở đào tạo. Ngành giáo dục và đào tạo cần đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bảo đảm sát thực hơn với nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng và trung học dạy nghề; có chính sách thúc đẩy các đơn vị sử dụng lao động có chương trình liên kết với nhà trường để nâng cao hiệu quả đào tạo. Các bộ, ngành và UBND các cấp cần xây dựng, triển khai các chính sách thu hút nhân tài về làm việc tại địa phương để vừa giảm sức ép tạo việc làm cho các thành phố lớn, vừa xây dựng đội ngũ nhân lực có chất lượng cao để phục vụ cho địa phương.
Phiên họp giúp các sinh viên có thêm hiểu biết về công tác lập pháp, giám sát của Quốc hội và trách nhiệm giải trình của Chính phủ về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, qua đó giúp các sinh viên hiểu rõ hơn vai trò của thanh niên cũng như công tác hoạch định chính sách, bảo vệ quyền lợi cho giới trẻ.