Bảo Đức là gương mặt đại diện các thí sinh tài năng phát biểu trong sự kiện “Chào các Idol XTTN 2024 - Gặp để yêu hơn” được Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức vào sáng 7.7.
Bí kíp học để đạt điểm SAT tuyệt đối
Ngay khi nhận thông báo đạt điểm SAT tuyệt đối (1600 điểm), Vũ Bảo Đức vỡ òa trong hạnh phúc bởi công sức bỏ ra đã kết "quả ngọt". Với số điểm này, Đức tự tin nắm chắc một vị trí tại Đại học Bách khoa Hà Nội theo diện tuyển thẳng, dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level, AP và IB.
Bảo Đức bắt đầu ôn thi SAT từ năm lớp 11, sau khi hoàn thành xong kỳ thi IELTS. Trong quá trình ôn luyện, tuy gặp một số khó khăn về kiến thức và tự vựng nhưng em vẫn vượt qua.
Chia sẻ về bí kíp đạt điểm SAT tuyệt đối, Đức cho biết, phương pháp đầu tiên vô cùng tiết kiệm là tự học trên nền tảng trực tuyến Khan Academy. Bởi khóa học của Khan Academy được cá nhân hóa theo người học, nên Bảo Đức tập trung ôn theo khung chương trình đã lập trình trước trên web. Những lỗi sai, kiến thức chưa hiểu, nam sinh note lại để ôn trọng tâm hơn.
3 tháng cuối trước kỳ thi, Đức được học và ôn luyện từ thầy Nguyễn Tuấn Anh - một thầy giáo dạy SAT tại Hà Nội. Qua khóa học, em không chỉ được tham khảo các tài liệu từ thư viện của thầy, mà còn học cách phát triển tư duy, rèn luyện khả năng logic và lập luận. Từ các khả năng, Đức áp dụng và làm tốt bài thi.
"Lúc học, em cảm thấy đầu óc và cách suy nghĩ được mở mang, chứ không đơn thuần đi học chỉ để đạt điểm cao. Sau khi thi xong, em có thể quên những thủ thuật làm bài, nhưng sự phát triển tư duy thì không và ngày càng được nâng cấp", Bảo Đức chia sẻ.
Hàng ngày, Đức thường dậy từ 5 giờ sáng để học bài. Để dậy sớm, buổi trưa em dành 15 - 20 phút để ngủ, buổi tối cố gắng thu xếp công việc để lên giường từ 10 giờ, 10 giờ 30 phút. Quy trình cứ thế được áp dụng từ năm Đức học lớp 11 đến nay không thay đổi.
"Phương pháp này còn tùy thuộc nhịp sinh học của mỗi người. Có bạn chỉ học được vào đêm khuya, nhưng thời gian học phù hợp của em là vào sáng sớm. Quan trọng phải biết cân đối thời gian để vừa học tốt vừa đảm bảo sức khỏe ", Đức nói.
Đến thời điểm hiện tại, Bảo Đức không xem tiếng Anh như một môn học, mà là một ngôn ngữ. Theo Đức, tuy tiếng Anh không phải yếu tố bắt buộc nhưng là lợi thế nếu học tốt, bởi dễ dàng nghiên cứu và tiếp cận nhiều nguồn tài liệu, kiến thức cao cấp của nước ngoài. Việc sử dụng tiếng Anh còn giúp các bạn trẻ hòa nhập nhanh chóng với quốc tế và mở ra các cánh cổng cho tương lai.
Thế hệ tài năng mới tiếp nối tinh thần cháy bỏng của Đại học Bách khoa Hà Nội
Tuy ngày càng có nhiều học sinh Việt Nam lọt top 1% thí sinh có điểm SAT cao nhất thế giới, nhưng người đạt điểm tuyệt đối như Vũ Bảo Đức rất hiếm. Bên cạnh đó, nam sinh còn xuất sắc đạt IELTS 8.0.
Trước câu hỏi với thành tích này, tại sao không lựa chọn đi du học, Bảo Đức cho hay không tìm hiểu nhiều về các chương trình học bên Mỹ và châu Á. Với châu Âu và Úc thì Đức hào hứng hơn, tuy nhiên ở hai khu vực này quá ít học bổng dành cho bậc đại học. Do đó, em quyết định học 4 năm đại học tại Việt Nam.
"Gia đình không bất ngờ trước quyết định này, bởi từ nhỏ, bố mẹ đã luôn ủng hộ các lựa chọn của em, kể cả trong việc xác định hướng đi cho tương lai. Gia đình ủng hộ tài chính lẫn tinh thần để em được "vẫy vùng" trong đam mê của bản thân", Đức nói.
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Bảo Đức theo học chuyên ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (IT-E10). Đây là ngành có điểm chuẩn phương thức xét tuyển tài năng cao nhất năm 2024 với 104,58 điểm, trên ngưỡng tối đa 110 điểm.
3 ngày trước Ngày hội “Chào các Idol XTTN 2024 - Gặp để yêu hơn” do Đại học Bách khoa tổ chức, Bảo Đức nhận được thông báo trở thành đại diện các thí sinh phát biểu về cảm xúc tân sinh viên trước khi nhập học. Đức được yêu cầu chuẩn bị bài phát biểu, nên khá căng thẳng bởi không phải học sinh chuyên Văn.
Trong 3 ngày này, Bảo Đức mày mò lên mạng tham khảo các bài phát biểu của tân sinh viên trường khác. Sau đó, không hài lòng nếu bài phát biểu nói về cảm xúc của bản thân sử dụng văn phong người khác, Đức chọn cách tự viết.
"Những bản thảo đầu ra đời khá tệ, nhưng em vẫn viết tiếp. Em đặt cho bản thân một mốc thời gian cố định, đến giờ sẽ ngồi vào bàn và viết. Không hay cũng phải viết, bởi như thế mới tạo được các ý tưởng xuất sắc", Nam sinh chuyên Nguyễn Huệ nhấn mạnh.
Sau bao nỗ lực, bài phát biểu của Đức với hơn 2.000 thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển tài năng của Đại học Bách khoa Hà Nội đã tạo một dấu ấn mạnh mẽ, đọng lại vô vàn xúc cảm với các khán giả tham dự Ngày hội.
Mở đầu bài viết, Đức nhìn nhận hành trình bước chân qua cổng parabol của bản thân và các bạn tân sinh viên vô cùng gian nan, phải đánh đổi bằng nhiều giọt mồ hôi và nước mắt. Để có một chỗ ngồi trong hội trường ngày hôm nay là bao đêm thức trắng, choàng dậy trước bình minh để cầm lên cây bút.
"Cứ như thế, từng chút từng chút một, chúng ta chiến thắng chính mình. Chúng ta chờ mãi đến ngày công sức bỏ ra đơm hoa kết trái. Và ngày ấy đến rồi! Hạt giống ta gieo trong nước mắt, giờ ta gặt trong hạnh phúc ngời ngời. Chúng ta sắp thành sinh viên của đại học Bách Khoa", Đức cho biết.
Bảo Đức không quên bày tỏ sự ngưỡng mộ với các thế hệ sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Em nói rằng, từng đọc được cái hồn của trường nằm ở cổng parabol, mà tên thật là cổng sóng soliton. Như con sóng đơn độc vượt lên tất cả, mỗi sinh viên Bách khoa đều vượt lên những tầm thường của cuộc sống, bước trên con đường chông gai mà hiến dâng chính mình vào khoa học.
"Đốt cháy trái tim, thổi bùng nhiệt huyết, cố gắng quên mình - chúng em xin hứa sẽ tiếp nối tâm tư bao đời truyền lại, sẽ xứng đáng là một thế hệ nữa trưởng thành từ Bách Khoa. Khóa K69 chúng em sẽ tiếp nối tinh thần ấy", Bảo Đức khẳng định.