Trước diễn biến phức tạp đó, huyện Thạch Thành đã chỉ đạo các địa phương luôn trong tâm thế sẵn sàng các phương án ứng phó với diễn biến bất thường của mưa lũ.
Nước lớn dâng cao, sạt lở nghiêm trọng
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Thạch Thành, mực nước sông Bưởi tại Kim Tân đạt đỉnh là 10,97m vào hồi 5 giờ ngày 29.9; lúc 9 giờ mực nước sông Bưởi đo được tại trạm Thủy văn Kim Tân là 10,95m (dưới báo động II là 0,05m), hiện nay nước sông bắt đầu rút dần. Chánh Văn phòng UBND huyện Thạch Thành Nguyễn Thanh Hào cho biết, lũ sông Bưởi dâng cao lên mức báo động 2, đã làm ngập 131 hộ dân với 584 khẩu tại các xã Thành Trực, Thành Mỹ, Thành Vinh và thị trấn Kim Tân. Giao thông trên tuyến tỉnh lộ 523 qua xã Thành Trực bị chia cắt do nước ngập sâu. Hiện các lực lượng chức năng huyện Thạch Thành vẫn đang tổ chức ứng trực, thực hiện các phương án hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại xã Thành Trực, lũ dâng cao đã khiến tỉnh lộ 523 qua địa bàn bị ngập từ đêm qua. Chiều dài đoạn đường bị ngập khoảng 1,8 km, nhiều đoạn ngập sâu trên 1,5 m. Đường ngập đã khiến giao thông đến trung tâm xã Thành Trực và các xã trên tuyến bị tê liệt. Lũ dâng cao cũng khiến 14 số hộ dân với 60 nhân khẩu sinh sống phía bờ sông Bưởi (phía ngoài tỉnh lộ 523) bị ngập. Lực lượng chức năng xã Thành Trực đã tổ chức hỗ trợ toàn bộ số hộ dân này đến nơi ở an toàn. Nước lũ dâng cao cũng khiến 65 ha lúa và hoa màu, 177 ha mía của người dân xã Thành Trực bị ngập.
Do mực nước ở thượng nguồn đổ về nhanh, đêm qua Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Thạch Thành đã phát lệnh báo động 2 trên sông Bưởi. Yêu cầu các xã, thị trấn, cơ quan đóng trên địa bàn thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, sẵn sàng tổ chức sơ tán các hộ dân đến nơi an toàn. Tuyên truyền và sơ tán ngay người già, trẻ em tại các khu vực đang sạt lở đến nơi an toàn... Còn tại khu phố Ngọc Bồ, thị trấn Kim Tân, nước lũ dâng cao đã gây ngập một số hộ dân sinh sống phía ngoài đê bao. Lực lượng dân quân tự vệ đã tổ chức hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc lên vị trí cao. Một số hộ dân sinh sống ở khu vực trũng thấp thì được di dời đến nơi an toàn.
Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thành, từ 14.9 đến tối ngày 28.9, mưa lũ đã gây sạt lở 6 điểm với tổng chiều dài 200 m bờ sông Bưởi, nguy cơ tiếp tục sạt lở 350 m, ảnh hưởng đến 20 hộ, 72 khẩu tại các thôn Định Hưng, Thạch An, Tiến Thành, xã Thạch Định. Mưa lũ cũng khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu và mía của người dân bị ngập úng cục bộ. Cụ thể: 304,75 ha lúa mùa; 715,62 ha mía; 135,79 ha ngô và rau màu các loại; ngập, tràn 29,81 ha nuôi trồng thủy sản. Từ ngày 27-28.9.2023, trên địa bàn huyện đã vận hành cả 6 trạm bơm tiêu úng để tiêu úng cho cây trồng và diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Trực 24/24 giờ để kịp thời ứng phó với diễn biến bất ngờ
Thời điểm hiện tại, lũ trên sông Bưởi bắt đầu rút chậm, các lực lượng chức năng vẫn tổ chức ứng trực, chuẩn bị sẵn sàng các phương án khi có tình huống xấu xảy ra.
Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành Đinh Văn Hưng cho biết, huyện tiếp tục tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ mực nước sông Bưởi và tình hình ngập úng trên địa bàn huyện để chỉ huy kịp thời các biện pháp ứng phó. Tiếp tục chỉ đạo UBND các xã thị trấn, theo dõi tại các khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng phương án sơ tán các hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất, sạt lở bờ sông đến vị trí an toàn.
Chỉ đạo các xã, thị trấn có đê và khu vực ven sông Bưởi thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời tổ chức sơ tán người, tài sản của Nhân dân ra khỏi vùng ngập lũ (nếu nước sông dâng cao trên Báo động 2); phân công lực lượng trực, cắm biển báo tại những tuyến đường bị ngập, nước tràn qua đường, phân công lực lượng hướng dẫn giao thông cho người, phương tiện qua lại bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, thực hiện thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại về sản xuất, cơ sở hạ tầng do mưa lũ gây ra trên địa bàn ngay sau khi nước rút. Đồng thời, tăng cường tổ chức lực lượng thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác đê, hồ đập để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra ngay từ giờ đầu. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời huy động và xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã ký ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Bưởi tại thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực, huyện Thạch Thành. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND huyện Thạch Thành và các sở, ngành liên quan cần áp dụng ngay một số biện pháp để bảo đảm an toàn tính mạng người dân và tài sản. UBND huyện Thạch Thành tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của sạt lở và báo cáo kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra. UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Giao thông - Vận tải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các vị trí sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng đến đường tỉnh 523, bảo đảm giao thông thông suốt. Về lâu dài, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan tham mưu bố trí vốn để xử lý chống sạt lở khu vực nêu trên, bảo đảm ổn định lâu dài.