Đề cập đến hành vi người điều khiển phương tiện trong dòng giao thông hỗn hợp phụ thuộc xe máy, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển giao thông vận tải Lê Thu Huyền cho rằng khi người điều khiển phương tiện mang theo niềm tin tất cả mọi người đều vi phạm luật giao thông, không thể đi được trong điều kiện dòng xe tắc nghẽn nếu không vi phạm luật giao thông sẽ dẫn đến nhận thức đi sai có lợi và thực hiện hành vi vi phạm luật giao thông. Sự thiếu nhận thức và hiểu biết về an toàn giao thông, không tuân thủ luật giao thông và lái xe không an toàn, trong khi cơ sở hạ tầng và thiết bị an toàn giao thông đường bộ kém hiệu quả, dòng giao thông không thuần nhất và hỗn loạn là những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Để giảm thiểu tai nạn giao thông, cần một lộ trình cải thiện tình hình an toàn giao thông toàn diện, hiệu quả và dài hạn.
|
Qua kết quả khảo sát của Cục An toàn giao thông Hàn Quốc nhận định quản lý cầu vận tải là chiến lược tốt nhất để cải thiện mức độ an toàn giao thông đường bộ, việc kiểm soát, giám sát của cảnh sát hiệu quả hơn việc gửi tín hiệu cảnh báo từ các điểm nguy hiểm hay hình thức xử phạt. Số liệu phân tích của Cục An toàn giao thông Hàn Quốc năm 2010 cho thấy tại Trung Quốc, tỷ lệ tử vong đường bộ trên một triệu người là 16,7, tại Hàn Quốc là 13, Lào là 18,1, Malaysia 23,2, Myanmar 24,3, Philippines 19,8. Ở những nước đang phát triển, có mức độ đô thị hóa cao, tỷ lệ phương tiện đăng ký cao thì tỷ lệ tử vong cũng cao. Để đảm bảo an toàn giao thông một cách bền vững, cần có cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ tốt, có phương tiện và các thiết bị an toàn, tổ chức các chiến dịch và giáo dục về luật giao thông...
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp, hậu quả của tai nạn giao thông là rất lớn, những gia đình có người bị thương vì tai nạn giao thông thường mất 2 lao động. Phân tích lứa tuổi gây tai nạn giao thông thanh thiếu niên từ 18 – 36 tuổi chiếm xấp xỉ 70%. 85% số vụ tai nạn liên quan đến nam giới. 30% số vụ tai nạn xảy ra trên hệ thống đường quốc lộ, đường nội tỉnh là 35%, còn lại ở đường liên thôn xã.
Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hạn chế tai nạn giao thông là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội, trước hết là của các cơ quan nhà nước có chức năng và của người tham gia giao thông. Giai đoạn 2012 – 2020, Chiến lược đặt ra mục tiêu hàng năm giảm từ 5% - 10% số người chết do tai nạn giao thông đường bộ, giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn; 100% các bậc học phải được giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, 85% người than gia giao thông được phổ biến kiến thức, pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Thực hiện Chiến lược này, các cơ quan quản lý Nhà nước đang tiếp tục hoàn thiện các chính sách, trong đó, năm 2013 hoàn thiện và thực thi các chính sách để siết lại hoạt động kinh doanh vận tải ô tô; đồng thời, phát triển hạ tầng kỹ thuật, các tuyến quốc lộ trọng điểm được cải tạo, có làn phân cách, tách hoàn toàn giữa ô tô và xe máy.