Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam là một trong những dự án luật lớn, quan trọng, có liên quan chặt chẽ đến các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; liên quan đến quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; đồng thời cũng là một trong những yêu cầu quan trọng của quá trình cải cách tư pháp trong tình hình hiện nay. Trong những năm qua, công tác quản lý về tạm giữ, tạm giam đã được tổ chức thực hiện chặt chẽ, bảo đảm phục vụ có hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đồng thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân. Tuy nhiên, qua thực tiễn 15 năm áp dụng Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 7.11.1998 (được sửa đổi, bổ sung 2 lần vào năm 2002 và 2011) đã bộc lộ khá nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập về công tác quản lý giam, giữ, đặc biệt là các quy định của pháp luật hiện hành về chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, tạm giam, chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam, việc phân loại giam, giữ; những bất cập về điều kiện bảo đảm cho công tác tạm giữ, tạm giam... Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý Trại tạm giam, Nhà tạm giữ còn chưa có sự thống nhất, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Các đại biểu dự Hội thảo đã nghe trình bày về những nội dung cơ bản của dự án Luật Tạm giữ, tạm giam; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan có thẩm quyền trong quản lý tạm giữ, tạm giam; việc kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam; tạm giữ, tạm giam đối với phụ nữ có thai; người nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người chưa thành niên phạm tội; quyền của người bị tạm giữ, tạm giam theo Luật Nhân quyền Quốc tế và những gợi ý cho việc xây dựng Luật Tạm giữ, tạm giam của Việt Nam; chế độ tạm giam đối với người bị kết án tử hình; mô hình quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam...